Ba rào cản chính lãnh đạo doanh nghiệp cần giải quyết để tạo bình đẳng kinh tế

Kiều Mai - 12:07, 07/09/2018

TheLEADERBà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á đều hiểu rằng bình đẳng kinh tế chỉ có thể đạt được khi chấm dứt bất bình đẳng giới nhưng lại lảng tránh trả lời câu hỏi là làm bằng cách nào.

Ba rào cản chính lãnh đạo doanh nghiệp cần giải quyết để tạo bình đẳng kinh tế
Lao động nữ đang phải đối mặt với tình trạng mức lương thấp hơn so với nam giới dù cùng một vị trí. Ảnh: Getty Images

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra vào 11 – 13/9 tới tại Hà Nội, vị Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp không chỉ đến từ tối đa hóa lợi nhuận mà còn nằm ở sự đa dạng giới và một môi trường bền vững thúc đẩy tăng trưởng.

Trên toàn cầu, số nam giới sở hữu đất, cổ phiếu và các tài sản vốn khác nhiều hơn số nữ giới. Tại cùng một vị trí, nam giới được trả lương cao hơn phụ nữ và phần lớn các công việc được trả lương cao hơn là do nam giới nắm giữ.

Theo bà, các chuẩn mực xã hội, thái độ và niềm tin đã hạ thấp vị thế và khả năng của phụ nữ, biện minh cho bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ, và chỉ định các công việc mà nữ giới có thể và không thể nắm giữ.

Những công việc chăm sóc không được trả lương đang đóng góp rất nhiều cho sự hưng thịnh của nền kinh tế thế giới nhưng lại không được công nhận và đãi ngộ, khiến phụ nữ bị phụ thuộc và hạn chế các lựa chọn.

Trong khu vực doanh nghiệp xã hội, Đông Nam Á đang dẫn đầu trong việc hướng tới bình đẳng trong thu nhập và các cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ so với các khu vực khác.

Tuy nhiên, phụ nữ Châu Á vẫn chỉ kiếm được số tiền bằng một phần lương của nam giới, và nguy cơ phụ nữ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu cao hơn so với nam giới.

Oxfam: Nâng cao lợi thế doanh nghiệp thông qua bình đẳng giới
Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có luật bình đẳng giới tiến bộ nhất Châu Á, là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước CEDAW của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ vào năm 1982.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tại Việt Nam là 73%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, phụ nữ phần lớn làm các công việc sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp và chưa qua đào tạo.

Trong mọi ngành nghề, phụ nữ được trả lương thấp hơn 33% so với đồng nghiệp nam giới. Mức chênh lệch tiền lương này lên đến 43% tại các công ty nông nghiệp và công ty nước ngoài. Ở khu vực công, chỉ có một trong số 20 bộ trưởng và 89 trong số 1048 vụ trưởng là nữ.

Có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các công ty thúc đẩy lợi nhuận và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trên cấp độ quốc gia, mức độ bình đẳng giới cao hơn trong lực lượng lao động tạo ra rất nhiều cơ hội cho kinh tế vĩ mô, đại diện từ Oxfam nhấn mạnh.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng, nếu mức độ tham gia của nữ lao động tăng từ 57,7% lên 66,2% thì kinh tế châu Á có thể gia tăng thu nhập bình quân đầu người tới 30% chỉ trong một thế hệ.

Báo cáo cuối tháng 4 của Viện Quốc tế McKinsey được đưa tin bởi Bloomberg đánh giá rằng những chính sách hướng tới mục tiêu đạt được sự bình đẳng cho phụ nữ có thể tạo ra thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP mỗi năm của châu Á Thái Bình Dương tới năm 2025. Con số này tương đương mức tăng 12% giá trị so với trường hợp tình trạng vẫn duy trì như hiện tại.

Trước đó vào năm 2015, McKinsey cũng khẳng định nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, thì GDP sẽ tăng 28 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Con số này tương đương với giá trị của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cộng lại.

Oxfam: Nâng cao lợi thế doanh nghiệp thông qua bình đẳng giới 1
Khung Rao-Keller - một công cụ hữu ích giúp các công ty xác định vấn đề, lập kế hoạch và xây dựng can thiệp chiến lược

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur chia sẻ: “Dù bằng thực tế hay trực giác, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Châu Á đều hiểu rằng bình đẳng kinh tế chỉ có thể đạt được khi chấm dứt bất bình đẳng giới, tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi “Làm bằng cách nào?” vẫn còn bị lảng tránh”.

Theo bà, Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc giải quyết ba rào cản chính đối với bình đẳng kinh tế.

Thứ nhất là việc đồng ý với ý tưởng “mô hình kinh tế hiện tại trung lập về giới” là giả định. Thay vào đó, môi trường chính sách cần định giá lại và tái phân bổ các công việc chăm sóc để chấm dứt tình trạng gấp đôi gánh nặng mà nhiều phụ nữ gặp phải.

Thứ hai, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ là điểm thuyết phục có lợi của các công ty và doanh nghiệp, nhưng điều này chưa đủ để minh chứng cam kết thay đổi văn hóa doanh nghiệp vốn chứa đựng những thành kiến cản trở cơ hội tiếp cận của phụ nữ tới nguồn lực, tài sản và các vị trí lãnh đạo.

Thứ ba, rào cản lớn nhất đối với sự thay đổi chính là các chuẩn mực xã hội, niềm tin và thái độ còn tồn tại dai dẳng trong hoạt động thực tiễn tại các công ty và các tổ chức. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của chính sách, nhưng chính sách sẽ không có ý nghĩa gì nếu không được áp dụng một cách nhất quán.

Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam nhận định môi trường pháp lý cung cấp một nền tảng tốt để các công ty có thể phát triển những chính sách về giới toàn diện trong tổ chức cũng như trong vận hành kinh doanh.

Nhiệm vụ thách thức và phức tạp là đẩy mạnh cách nghĩ và văn hóa về đa dạng giới tại nơi làm việc, ví dụ như không ủng hộ các định kiến giới, xử phạt các hành vi phân biệt đối xử về giới và thúc đẩy các giá trị và thực hành bình đẳng và đa dạng giới.

Thay đổi các chuẩn mực và thực hành phi chính thức là một quá trình dài hạn, đòi hỏi việc chia sẻ quyền lực, sự chấp nhận vai trò lãnh đạo của phụ nữ, cân bằng giữa công việc và gia đình, và văn hóa bao trùm của mỗi tổ chức, ưu tiên việc học hỏi, và ngăn ngừa quấy rối và phân biệt đối xử, bà Babeth Ngọc Hân Lefur khẳng định.