Bắc Mỹ lạc quan với bài toán kinh tế World Cup 2026

Trâm Anh - 18:51, 10/07/2018

TheLEADERBất chấp những bài học kinh tế của nhiều kì World Cup đã đi qua, các quốc gia Nam Mỹ vẫn rất hào hứng với giải bóng đá lớn nhất này diễn ra vào 2026.

Bắc Mỹ lạc quan với bài toán kinh tế World Cup 2026
World Cup 2026 sẽ là kì đầu tiên được tổ chức tại 3 quốc gia khác nhau. Ảnh: AFP

Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup sẽ đến Bắc Mỹ vào năm 2026 khi lần đầu tiên được tổ chức bởi 3 quốc gia là Canada, Mỹ và Mexico. Những thành phố tại đây đang cạnh tranh nhau để trở thành một trong những địa điểm tổ chức của giải bóng đá này bởi sự lạc quan về viễn cảnh du lịch và sự biết đến nhiều hơn sẽ thúc đẩy nền kinh tế.

Thế nhưng những người ở ngoài cuộc chơi lại cảnh báo rằng những giải đấu đã đi qua chỉ để lại nhiều thiệt hại hơn là những kết quả tích cực. World Cup 4 năm trước tại Brazil với 15 tỷ USD đổ vào tổ chức là một câu chuyện đáng để ngẫm nghĩ.

Phó chủ tịch chính sách tại Hiệp hội châu Mỹ Brian Winter đánh giá: "Đây là một việc làm cực kỳ tốn kém. Tất cả lời hứa đều đi vào mây khói", CNN Money dẫn lời.

Những kế hoạch đầu tư vào tàu cao tốc và xây dựng sân bay mới phải nán lại để bơm tiền vào các sân vận động lớn cùng hy vọng tạo ra những cơ hội thúc đẩy kinh tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ludovic Subran tại Euler Hermes, công ty bảo hiểm tín dụng đánh giá rằng, những dự định trên không phải là hy vọng thực tế. "Tính toán trên giống như việc xây dựng một sân vận động tại Rust Belt (khu vực Đông Bắc Mỹ, vành đai công nghiệp) và tin rằng sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng sự thật thì không", CNN Money đưa tin.

Trước khi giải bóng đá World Cup diễn ra, nền kinh tế Brazil đã có diễn biến xấu đi vì gia tăng nợ tư nhân cũng như lạm phát. Quốc gia này cũng bước vào cuộc suy thoái cùng năm đó và việc trở thành nước chủ nhà rõ ràng đã không cứu được Brazil nhưng có khả năng góp thêm vào sự sụt giảm.

Theo thông tin từ Business Insider, quốc gia Nam Mỹ này đã đổ khoảng 3 tỷ USD vào xây dựng các sân vận động nhưng 4 năm qua đi, nhiều trong số đó đã trở nên thừa thãi, điển hình là sân Arena da Amazonia tại thành phố Manaus nằm giữa rừng già Amazon, một trong những địa điểm rất khó đến.

300 triệu USD, 4 năm xây dựng và thậm chí là cái chết của 3 công nhân trong quá trình xây dựng là cái giá mà Brazil phải trả cho sân vận động hoành tráng này, một trong số 12 sân vận động lớn được xây dựng mới phục vụ World Cup 2014.

Thế như sau khi World Cup qua đi với 4 trận đấu tại đây, sân vận động với sức chứa 40.000 người này gần như vô dụng. Số liệu từ Business Insider cho thấy trong vòng 4 tháng đầu 2016, hoạt động tại sân vận động Arena da Amazonia mang lại 180.000 USD nhưng chi phí vận hành lại cao gấp 3 lần số thu được.

Việc giữ chi phí cơ sở hạ tầng ở mức thấp là chìa khóa giúp nước chủ nhà có được một giải đấu thành công về kinh tế.

World Cup năm 1994 tại Mỹ đã mang lại kết quả kinh tế tốt hơn so với 5 kỳ gần đây khi chỉ chi khoảng 5 triệu USD cho các sân vận động so với con số 3 tỷ USD của Brazil. Giải đấu vào năm 2026 sắp tới có lẽ nên theo ví dụ năm 1994.

15/17 sân vận động dự kiến của Mỹ đã sẵn sàng trở thành nhà cho các đội tuyển trong Giải Bóng bầu dục Quốc gia và đối với World Cup, những sân vận động sẽ cần một chút điều chỉnh và thiết kế đặc biệt để có thể trở thành nơi dành cho các cầu thủ.

Ở một góc nhìn khác, Carlos Gimenez, Thị trưởng hạt Miami, khu đông dân nhất tại Florida lại tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng World Cup có thể thúc đẩy du lịch trong mùa thấp điểm tại đây, CNN dẫn tin.

Là địa điểm tổ chức Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl) lần thứ 11 vào năm 2020, ông Carlos Gimenez hy vọng sẽ tạo ra sự gia tăng 200-400 triệu USD. Theo vị thị trưởng này, chỉ cần 4 trận đấu tại World Cup sẽ tạo ra giá trị tương đương 4 lần con số trên.

Dù những con số thực tế đang cho thấy tác động kinh tế không mấy hiệu quả khi trở thành chủ nhà của giải bóng đá lớn nhất hành tinh, World Cup vẫn trở nên hấp dẫn khi không chỉ là sân chơi mơ ước của nhiều cầu thủ mà còn là sân chơi của niềm tự hào dân tộc.