Bài toán mới cho doanh nghiệp du lịch

Quỳnh Chi - 09:51, 02/05/2024

TheLEADERCác doanh nghiệp du lịch đang đứng trước thách thức về sự thay đổi của nhu cầu thị trường, buộc họ phải chuyển đổi cách thức xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch cũng như tiếp cận và chiều lòng khách hàng mục tiêu.

Bài toán mới cho doanh nghiệp du lịch
Doanh nghiệp du lịch ngày càng chủ động hơn để thích ứng với các xu hướng du lịch mới. Ảnh: LuxGroup

“Hậu Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã gần như hồi phục so với thời điểm trước dịch”, ông Đặng Mạnh Phước, CEO của The Outbox Company khẳng định và dự báo du lịch Việt Nam sẽ hoàn toàn phục hồi vào quý‎ II năm nay.

Theo đó, đã có trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2024, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chỉ ra, mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh, lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ lại không tăng nhiều.

“Tình trạng này đã được nhận diện thông qua nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành trong suốt thời gian qua”, ông Phong nói trong sự kiện "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới".

Một trong những nguyên nhân đầu tiên là hình thức đi du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng trở nên phổ biến. 

Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, khách du lịch đã có thể tự tìm kiếm và đặt dịch vụ một cách rất thuận tiện thông qua các nền tảng trực tuyến.

Bên cạnh đó, xu hướng du lịch nội khối trong khu vực châu Á, đã được đẩy rất nhanh từ tác nhân là dịch bệnh. Du khách ưu tiên các chuyến đi sử dụng đường bay ngắn (1 - 2 giờ, không quá 8 giờ) tới các điểm đến nằm trong khu vực. 

Riêng Việt Nam, thị trường châu Á hiện chiếm tới 81% tổng lượng khách quốc tế. Các thị trường xa, ngoại khối, khu vực châu Âu, châu Mỹ gần như không tăng trưởng nhiều mặc dù là đối tượng được hưởng trực tiếp các ưu đãi từ chính sách thị thực mới.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup nhận định, xu hướng mới đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển cần thích ứng linh hoạt và chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp để thích nghi, thấu hiểu du khách.

Thay vì chỉ tập trung tiếp cận khách hàng theo mô hình B2B truyền thống, các công ty du lịch có thể cân nhắc mô hình B2C để thuận lợi cho việc tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Doanh nghiệp kinh doanh du lịch Việt chủ yếu hoạt động theo mô hình B2B - xây dựng chương trình tour, tiếp cận đối tác nước ngoài để họ đi khảo sát rồi lên chương trình bán hàng, đưa khách sang cho mình. Mô hình này giúp doanh nghiệp lữ hành không phải đầu tư nhiều về marketing hay website, nhiệm vụ đưa khách tới thuộc về đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn bị động về nguồn khách, không thể tự giới thiệu sản phẩm trực tiếp cho khách. Các doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận nhiều luồng khách trong xu thế mới hiện nay buộc phải chuyển sang mô hình B2C - bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng. 

"Điều này đòi hỏi mỗi công ty phải làm thật tốt từ marketing đến sản phẩm, phân phối, dịch vụ bán hàng,” ông Hà phân tích.

Chuyển đổi là yếu tố mang tính sống còn

Trong sự dịch chuyển sang mô hình B2C, yếu tố chuyển đổi số đóng vai trò sống còn. Việc ứng dụng công nghệ và mở rộng diện tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng số sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam để thu hút khách hàng là những vị khách du lịch quốc tế.

“Nhờ chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng từ những điểm chạm đầu tiên và tìm cách tạo một hành trình trải nghiệm mượt mà cho du khách chỉ khi mới bắt đầu tìm kiếm về điểm đến cho đến khi đã kết thúc hành trình”, ông Hà nói.

Ngoài ra, các công ty du lịch phải xây dựng thương hiệu, câu chuyện, marketing truyền thông qua số, mạng xã hội, báo chí, phim ảnh và thuận tiện trong thanh toán trực tuyến.

Chia sẻ kinh nghiệm tại doanh nghiệp, ông Hà tự hào, LuxGroup là doanh nghiệp đã đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ du lịch sang trọng, dẫn đầu đổi mới sáng tạo, sản phẩm phù hợp chân dung khách hàng mục tiêu, thửa theo yêu cầu của “thượng đế”. Công ty cũng đã tiên phong áp dụng thương mại điện tử ngay từ ngày đầu thành lập.

Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đây chính là nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp cho các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.

Trong đó, thẻ du lịch thông minh, ứng dụng "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel", ứng dụng "Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch", Trang vàng Du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam... được xem là những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Ông Phong cho rằng, xu hướng du lịch thay đổi thì các doanh nghiệp du lịch cũng phải thay đổi là yêu cầu tất yếu, trong đó yếu tố công nghệ, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. 

Chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là cơ hội đổi mới, sáng tạo, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc chuyển đổi dần mô hình kinh doanh từ B2B sang B2C là cần thiết, cần bắt đầu từ chuyển đổi trong nhận thức cho đến hành động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chủ động thích ứng và khai thác hiệu quả các cơ hội do xu hướng du lịch mới mang lại, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện các nội dung.

Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch quảng bá xúc tiến, truyền thông thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam thông qua trang web, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, các hoạt động hướng tới công chúng tại các thị trường nguồn.

“Song song đó, chúng tôi sẽ huy động, dành nhiều hơn nữa nguồn lực hỗ trợ cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng thông tin xúc tiến du lịch B2C. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp, hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động, quản trị rủi ro trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói.