Cần một đơn vị “cầm trịch” giúp liên kết các địa phương miền Tây để phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đồng bộ, phát huy tối đa bản sắc sông nước.
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Công ty Focus Travel, đơn vị sở hữu tàu du lịch La Marguerite, cho biết, sông Mekong nằm trong nhóm năm tuyến du lịch đường sông được yêu thích nhất trên thế giới.
Tận dụng lợi thế này, ông Hiếu đã xây dựng tour du lịch đưa du khách trong và ngoài nước trên hành trình đường sông từ Mỹ Tho tới tỉnh Siem Reap của Campuchia. Chương trình ban đầu được xây dựng kéo dài 9 ngày 10 đêm nhưng sau rà soát các điều kiện, rút xuống chỉ còn 8 ngày 7 đêm.
Điều khiến vị lãnh đạo Focus Travel cảm thấy “xót xa” là trong hành trình tám ngày ấy, chỉ có ba ngày du khách trải nghiệm vùng sông nước Việt Nam, còn lại là tập trung khám phá nét đẹp của nước bạn.
Đây là thực tế "hết sức đáng buồn" bởi dù có rất nhiều tư liệu quý nhưng những điểm đến ở miền Tây như chợ nổi Cái Răng, Cái Bè chưa có điều kiện để khai thác sâu.
Đồng quan điểm khi nói đến những tư liệu, câu chuyện đáng quý và đáng để kể cho du khách, ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, nhìn nhận những yếu tố tạo nên bản sắc miền Tây, là những làng nghề, đang dần bị mai một và “chết dần”.
Còn theo ông Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc kênh VOV Giao thông quốc gia, Đài tiếng nói Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất rộng lớn, nhiều điểm đến nhưng điểm nào cũng giống nhau, không có sự đột phá. Đây chính là lý do các tour du lịch khó tổ chức những trải nghiệm dài ngày tại miền Tây.
Tìm hướng đi mới
Đến nay, tuyến du thuyền dọc sông Mekong của Focus Travel đã triển khai được hơn 15 năm, theo ông Hiếu, vẫn giữ được vẹn nguyên “linh hồn” như ngày nào, tạo ra trải nghiệm lãng mạn cho hàng ngàn lượt du khách.
Ông Hiếu nhìn nhận, những sản phẩm vốn có của miền Tây như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chợ nổi Cái Răng, lò gạch Vĩnh Long sở hữu rất nhiều tư liệu quý, chính là dư địa để khai thác phát triển du lịch.
Điều quan trọng, theo chủ tịch Focus Travel, nằm ở việc cần có những doanh nhân “lãng mạn, tâm huyết và đủ kiên nhẫn” để chung tay nâng tầm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng quan điểm, nhưng ông Trần Hữu Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho rằng sự “lãng mạn” của những doanh nhân, những người dành tình yêu cho vùng sông nước là chưa đủ.
Dựa trên kinh nghiệm phát triển du lịch của Ninh Bình, ông Bình nhìn nhận, câu chuyện phát triển du lịch cần nhìn theo hướng thực tế. Tức là, để thu hút doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần có quy hoạch xây dựng du lịch hợp lý, bao gồm xây dựng hạ tầng, hệ thống lưu trú và sản phẩm du lịch.
Ông Bình lấy ví dụ quần thể du lịch Tràng An, để trở thành di sản thế giới đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, khi đã trở thành di sản thế giới, quần thể này nhận được sự quan tâm đầu tư, nguồn lợi thu về lớn hơn rất nhiều.
Đối với trường hợp miền Tây là một vùng đồng bằng rộng lớn, theo ông Bình, để vực dậy ngành du lịch, cần có sự kết nối giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra tính đồng bộ.
“Cần có một “người cầm trịch” cho du lịch trên dòng Mekong, nếu không phải cấp nhà nước thì cũng phải là cấp vùng”, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nhận xét.
Có một “nhạc trưởng”, du lịch miền Tây sẽ phát huy được thế mạnh, thông qua đó thu hút thêm nhiều doanh nhân giỏi và tâm huyết đến để khai thác sản phẩm du lịch, kể những câu chuyện vùng sông nước Cửu Long tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hợp phần quản trị môi trường của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2023 tiếp tục chứng kiến mức điểm “bết bát” của cả nước. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có tình hình khả quan hơn năm vùng kinh tế, xã hội còn lại.
Sản phẩm du lịch đơn điệu, ít có tính sáng tạo và bị trùng lặp giữa các địa phương là trở lực lớn đối với sự phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Nỗ lực cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và doanh nghiệp giúp hình ảnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được nâng tầm, trở nên thu hút du khách trong và ngoài nước.