Bán lẻ chững lại, ACB mở rộng sang doanh nghiệp vừa và lớn

Hứa Phương - 14:57, 04/04/2024

TheLEADERMảng doanh nghiệp lớn và vừa sẽ được ACB tập trung khai thác và coi đây là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới thay vì dựa phần lớn vào bán lẻ như trước đây.

Ngày 4/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch năm 2024.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, tình hình kinh tế quý I/2024 khởi sắc, lãi suất ổn định ở mức thấp cùng với những yếu tố không thuận lợi như tỷ giá tăng nóng, tăng trưởng tín dụng thấp và bất động sản chưa khởi sắc.

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của ACB vẫn đạt kết quả khả quan. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm 2023, gấp đôi toàn ngành và cao hơn hẳn so với cùng kỳ quý I/2023.

Huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động CASA cũng tốt hơn mức chung đạt 4,6%. Lợi nhuận dự kiến đạt 4.900 tỷ đồng, bám sát với kế hoạch năm, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, do tăng trưởng cao nên có trích lập dự phòng.

ACB chuyển chiến lược từ bán lẻ sang doanh nghiệp vừa và lớn
ACB chuyển chiến lược tăng trưởng từ bán lẻ sang doanh nghiệp vừa và lớn

Theo Tổng giám đốc ACB, ngân hàng không tập trung cho vay phát triển bất động sản, hiện dư nợ mảng này dưới 2% và không có nợ xấu. Riêng người mua nhà vay chiếm 22%, nợ xấu cũng thấp hơn mức chung.

ACB không đầu tư và chưa có ý định mở danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đầu tư trái phiếu có ở công ty con ACBS nhưng tỷ trọng không đáng kể.

Chất lượng nợ của ACB đang kiểm soát tốt, có khách hàng khó khăn từ Covid-19 nhưng dư nợ này khoảng 3.000 tỷ đồng, không đáng kể.

Một trong những mục tiêu quan trọng theo ông Phát đang được ACB thực hiện là chuyển đổi chiến lược tăng trưởng từ bán lẻ sang mảng doanh nghiệp lớn và vừa.

Cụ thể những năm qua, ACB tăng trưởng chủ yếu dựa vào bán lẻ nên mảng này chiếm gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, mảng doanh nghiệp vừa và lớn còn nhiều dư địa, nếu ACB khai thác tốt sẽ đạt mức tăng trưởng cao.

ACB sẽ dựa vào mối quan hệ với doanh nghiệp đầu ngành, những tập đoàn và tổng công ty lớn để phát triển tín dụng và phí. Dù mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ mới được tập trung nhưng ngay trong quý I/2024 năng suất đội ngũ ACB tăng thêm 30%, điều này cho thấy kết quả chuyển đổi đang rất tích cực.

Còn ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB đánh giá thị phần bán lẻ của ACB đang chiếm tỷ trọng khá cao và tốc độ tăng trưởng bắt đầu chững lại. Thời gian qua, các ngân hàng khác cũng tập trung nhiều vào mảng bán lẻ, trong bối cảnh đó ACB sẽ củng cố bán lẻ và chuyển qua tập trung vào mảng doanh nghiệp vừa, lớn.

Ngoài ra, các khách hàng của ACB theo chu kỳ đang ngày càng lớn và ngân hàng cũng theo sự phát triển của họ. Đối với các khách hàng là doanh nghiệp vừa và lớn ACB có nhiều lợi thế cạnh tranh, không chỉ ở lãi suất mà các sản phẩm, dịch vụ khác.

“ACB kỳ vọng ba năm tới mảng doanh nghiệp vừa và lớn sẽ tăng. Chiến lược của ACB là tập trung vào chất và lượng, song song đó là đẩy mạnh phát triển ngân hàng số. ACB luôn áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hùng Huy nói thêm.

ACB sẽ chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, (trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt) từ nguồn lợi nhuận của năm 2023 và các năm trước chưa chia. Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.826 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành quý III/2024.

Trong năm 2024, ACB đặt ra kế hoạch đạt 22.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 10% so với năm trước.