Bán lẻ là mắt xích quan trọng của kinh tế tuần hoàn

Hoàng Đông - 10:04, 27/07/2023

TheLEADERỨng dụng kinh tế tuần hoàn vào bán lẻ giúp đưa ra tín hiệu cũng như định hướng thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng hướng đến giảm sử dụng tài nguyên và giảm phát thải ra môi trường.

Bán lẻ là mắt xích quan trọng của kinh tế tuần hoàn
AEON Việt Nam triển khai Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để thực thi việc thu gom, tái chế bắt buộc một tỷ lệ nhất định đối với một số nhóm sản phẩm, theo công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2024.

TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho biết, EPR là công cụ được sử dụng phổ biến trên thế giới, với hàm ý thay đổi ở toàn bộ chuỗi cung ứng, nhằm biến chất thải thành tài nguyên và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp tái chế quốc gia.

Công cụ EPR không chỉ tạo ra tác động tới thiết kế, sản xuất mà dự kiến sẽ tác động đến cả cách thức triển khai hoạt động bán lẻ của một số doanh nghiệp theo hướng tăng cường việc thu hồi lại sản phẩm hoặc giảm tiêu thụ bao bì không cần thiết.

Nói về vai trò của bán lẻ trong bức tranh kinh tế tuần hoàn, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, nhìn nhận, bán lẻ là mắt xích rất quan trọng để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, thông qua áp dụng triết lý kinh tế tuần hoàn cho hoạt động bán lẻ, doanh nghiệp có thể định hướng thói quen tiêu dùng cũng như đưa ra tín hiệu để thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng giảm xả thải, tăng cường sử dụng sản phẩm xanh, sản phẩm tuần hoàn.

Ông Vũ cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã phối hợp với một số nhà bán lẻ để triển khai các hoạt động hướng đến tiêu dùng bền vững, áp dụng các giải pháp tiêu dùng giảm bao bì không cần thiết. Những chương trình này đã thành công định hình xu hướng tiêu dùng tuần hoàn.

Tuy nhiên, đây chỉ là thành công bước đầu. Ông Vũ cho biết, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp bán lẻ theo triết lý kinh tế tuần hoàn để một mặt vừa tạo ra sự đồng thuận của xã hội, vừa tác động tới các nhà sản xuất, nhà cung ứng để thay đổi thiết kế sản phẩm sao cho thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

“Chúng ta phải cố gắng thiết lập một chuỗi từ sản xuất cho đến tiêu dùng đều phải bền vững theo hướng tuần hoàn”, ông Vũ nói tại tọa đàm Kinh tế tuần hoàn trong hoạt động tiêu dùng và bán lẻ do Báo Công thương tổ chức.

Đồng quan điểm, ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc vận hành khu vực phía Bắc, AEON Việt Nam, cho biết, giải pháp tiêu dùng bền vững theo hướng tuần hoàn đạt được nhiều thành công khi ứng dụng tại chuỗi siêu thị AEON Mall. Cụ thể, thông qua hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách cung cấp túi tái sử dụng hay giảm giá cho giao dịch không dùng túi nylon, tỷ lệ giao dịch không dùng túi nylon đã tăng gấp 70 lần, từ 0,1% vào năm 2019 lên 7% vào năm 2022.

Các hoạt động khuyến khích tiêu dùng xanh của AEON Mall tạo ra tác động tích cực, không chỉ là thực hành trách nhiệm với môi trường, xã hội mà còn xây dựng được hình ảnh thương hiệu đẹp trong mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, thực tiễn triển khai giải pháp bán lẻ bền vững vẫn còn nhiều khoảng trống.

“Chúng tôi cố gắng không phân phối các sản phẩm đồ dùng một lần để định hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sản phẩm bền vững cũng có một số nhược điểm, bao gồm giá bán cao hơn, lại có ít nhà cung ứng nên ít có sự lựa chọn”, ông Tuấn chỉ ra thực trạng.

Ông Tuấn kỳ vọng, xu thế bền vững đang lên ngôi, cùng những nỗ lực của Nhà nước trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tạo ra thêm nhiều sản phẩm xanh. Khi đó, rất cần có sự vào cuộc của truyền thông, sự tham gia của các nhà sản xuất để có thể khắc phục những điểm yếu, giúp sản phẩm, dịch vụ bền vững tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng.