Ngành năng lượng chiếm đến khoảng một nửa giá trị các khoản vay xanh, trong khi nhiều lĩnh vực tiềm năng liên quan đến kinh tế tuần hoàn như xử lý nước thải, quản lý chất thải… chỉ chiếm chưa đến 10%.
Cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là một thách thức lớn, đặc biệt với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD, tương đương với khoảng 6,8% GDP mỗi năm để đầu tư cho các hoạt động xanh hóa và khử carbon cho nền kinh tế, mới có thể đạt được lộ trình trung hòa carbon đúng thời hạn đã cam kết.
Nguồn lực đầu tư công không đủ để chi cho khoản đầu tư lớn như vậy. Phát biểu tại một diễn đàn về kinh tế xanh mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khu vực công chỉ có thể đáp ứng được khoảng 1/3 nguồn lực đầu tư. Phần còn lại sẽ phải đến từ khu vực tư nhân, huy động qua các kênh tài chính xanh.
TS. Lại Văn Mạnh, chuyên gia Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), nhìn nhận, tài chính xanh, tín dụng xanh là công cụ vận hành theo cơ chế thị trường, đem lại nhiều lợi ích thiết thực từ quy mô quốc gia cho đến doanh nghiệp và người tiêu dùng khi theo đuổi phát triển bền vững.
Sử dụng công cụ tài chính xanh để khuyến khích các sáng kiến, giải pháp hiệu quả là xu thế chung trên toàn thế giới, được không chỉ những quốc gia phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước châu Âu… mà còn cả các nước đang phát triển như Bangladesh sử dụng rộng rãi và đem lại nhiều kết quả khả quan.
Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017 – 2022, dư nợ tín dụng của các lĩnh vực xanh của Việt Nam có mức tăng trưởng rất cao, đạt khoảng 23% mỗi năm, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Trong số đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo dẫn đầu về thu hút tài chính xanh với khoảng 47% quy mô vốn vay.
Năng lượng tái tạo không phải là giải pháp duy nhất có thể đưa một quốc gia đến với mức phát thải ròng bằng 0. Nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur chỉ ra, bên cạnh năng lượng tái tạo thì kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp then chốt cho “net zero”.
Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh tài chính xanh dành cho năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn vẫn chưa phải là kênh hấp dẫn cho dòng vốn xanh. Theo TS. Lại Văn Mạnh, chuyên gia Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), các lĩnh vực tiềm năng liên quan đến kinh tế tuần hoàn như nước hay quản lý chất thải mới chỉ chiếm khoảng chưa đến 10% quy mô các dòng tài chính xanh.
Mặt khác, quy mô thị trường tài chính xanh của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực. Do đó, các sáng kiến triển khai kinh tế tuần hoàn – thường cần nguồn vốn lớn để tạo ra sự thay đổi trong chuỗi giá trị, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác, sản xuất, phân phối và thu hồi – vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế do thiếu vốn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng chiếm 96% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho biết, để phát triển kinh tế tuần hoàn, bài học từ kinh nghiệm quốc tế là cần có cơ chế huy động tài chính xanh, đặc biệt khi các phương thức cấp vốn cũ không còn phù hợp. Tuy nhiên, ông Thành cũng đưa ra nhận định rằng cơ chế tài chính xanh cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam vẫn còn khá “mờ nhạt”.
Lãnh đạo BCSI đề xuất, bên cạnh những cơ chế huy động tài chính rõ ràng và an toàn hơn cho kinh tế tuần hoàn, cần xem xét việc thành lập ngân hàng đầu tư xanh hoặc quỹ tài chính xanh để cấp vốn cho những dự án quan trọng. Giải pháp này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều dòng vốn xanh từ quốc tế mong muốn rót vào Việt Nam những chưa có cơ chế tiếp nhận.
Từ góc độ cơ quan đang đảm nhiệm xây dựng chương trình hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, đại diện ISPONRE đề xuất có thể thử nghiệm một số cơ chế tài chính mới như quỹ tài chính vi mô cho kinh tế tuần hoàn, tín chỉ nhựa, quỹ đầu tư mạo hiểm vào kinh tế tuần hoàn…, từ đó đa dạng hình thức, tăng thêm cơ hội cho các sáng kiến kinh tế tuần hoàn tiếp cận vốn vay.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra những giá trị mà kinh tế tuần hoàn đem lại cũng như trách nhiệm cần phải ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đưa kinh tế tuần hoàn vào hoạt động vận hành cũng như chiến lược phát triển của mình.
Ưu đãi về thuế, phí hay tiền thuê đất chỉ mang tính bước đầu, không thể giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tích cực vào kinh tế tuần hoàn nếu không có động lực thị trường để tạo ra lợi ích bền vững.
Theo các chuyên gia, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần phải có những tiêu chí cụ thể để đánh giá, về cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, thay vì chỉ dựa vào tiêu chí “kinh tế tuần hoàn để giảm phát thải”.
Trong bối cảnh phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn được xác định là kim chỉ nam của nền kinh tế, tháng 3/2021, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành, dưới sự chấp thuận của Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và môi trường, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam chính thức ra đời.
Được thành lập và vận hành bởi những nhà kinh doanh khá kín tiếng, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã phát triển tới quy mô của những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
GS. Gurdev Singh Khush, đồng chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình nghiên cứu và hợp tác với GS. Võ Tòng Xuân để tạo ra những giống lúa mới.
Quy chế dân chủ liệu có thật sự bảo vệ quyền lợi người lao động, hay vẫn chỉ mang tính hình thức? Đâu là giải pháp để xây dựng môi trường làm việc dân chủ?