Bản sao đô thị hay hạnh phúc ‘đổ đống’ cho người Việt?

Kiến trúc sư Lê Quang - 10:30, 11/02/2019

TheLEADERMột đô thị thực sự luôn bao dung với những công dân của nó và lạnh nhạt với những thay đổi chớp nhoáng, từ chối hoặc thoả hiệp với mọi thay đổi một cách có chọn lọc dẫn đến tăng trưởng chậm và kéo dài.

Có thể trong tương lai, chúng ta sẽ biến những câu khẩu hiệu xuất hiện nhan nhản trên báo đài ngày nay thành hiện thực: Hà Nội trở thành Paris; Sài Gòn như Singapore; Phú Quốc là một Macau mới; thậm chí Bắc Ninh cũng biến thành thung lũng Silicon... Viễn cảnh đó sẽ ra sao và hạnh phúc của chúng ta khi ấy có lớn lao như những kì vọng lúc này? Câu trả lời lại là một câu hỏi khác: vậy người dân Việt Nam sẽ phải sống ở đâu?

Viễn cảnh lúc nào cũng tươi đẹp

Những cái tên ở vế hai của các so sánh trên đều là loạt thành phố điển hình cho sự hiện đại và phát triển. Rõ ràng, Tổng thống Pháp sẽ chẳng bao giờ nói: “Hãy làm cho Paris trở thành một Hà Nội thứ hai“. Sự thật là Paris ổn định và quy hoạch tốt hơn Hà Nội ở khía cạnh đô thị. Điều ấy rõ ràng nhưng không phải là tất cả. Dù không phải Hà Nội mà thay bằng tên của bất kì thành phố nào khác thì câu nói ấy cũng khó mà bật ra từ miệng của người đứng đầu nước Pháp. 

Người Pháp sẽ không biến Paris trở thành phiên bản của bất kì thành phố nào, cho dù chúng sở hữu hạ tầng hiện đại hơn, mật độ cao ốc dày đặc hơn hay chứa đựng văn hoá đa dạng hơn. Bởi lẽ, người Paris chỉ là người Paris trên chính thành phố thuộc về họ.

Bản sao đô thị hay hạnh phúc ‘đổ đống’ cho người Việt?
Giá trị của một thành phố được bồi đắp và xói mòn cùng lúc qua nhiều thế hệ những con người sống trong chính đô thị đó

Hai năm trở lại đây, ở nhiều thành phố Việt Nam, cấp quản lý bỏ ra không ít nỗ lực để hiện thực hóa các “viễn cảnh mơ ước”. Chiến dịch dẹp vỉa hè Quận 1 (TP. HCM) là một ví dụ. Mặc dù kế hoạch đã từng có lúc được thực hiện ráo riết nhưng sau một thời gian ngắn, mọi việc lại trở về nguyên trạng. Khoan bàn về “ý thức của quần chúng” như nhiều người từng lên án, chúng ta nên nhìn nhận vào sự có lý của tính “nguyên trạng” này. Cuối cùng thì Sài Gòn cũng không giống với Singapore, ít nhất là chuyện vỉa hè.

Tương tự, sẽ là không khả thi nếu các thành phố ở Việt Nam nỗ lực phát triển đô thị chỉ để nhắm tới cái đích là sao chép phần diện mạo của những Paris, Singapore hay Macau, Hongkong... Nỗ lực đó đôi khi trở nên không tưởng như việc thay đổi dòng máu, màu da của một dân tộc. 

Trên thực tế, phát triển đô thị là một hành trình. Trên hành trình đó, một đô thị có thể chuyển mình, lột xác nhưng không thể bỏ rơi những thành phần xã hội đã góp phần tạo nên chính nó. Quan điểm này có lẽ sẽ ít nhiều nhận chỉ trích về thái độ mang dáng dấp của chủ nghĩa “dân tuý“. Tuy nhiên, “yếu tố bản sắc“ mới là mục đích mà người viết bài hướng tới. Đừng vội nghĩ tới đình – chùa – đền – miếu hay thơ – ca – hò – vè, “yếu tố bản sắc“ chúng ta đang nói tới nằm ở vỏn vẹn: con người.

Bản sao đô thị hay hạnh phúc ‘đổ đống’ cho người Việt? 1
Chúng ta thăm quan nhiều nơi và dự nhiều hội thảo về đô thị nhưng hiếm khi đề cập đến quản lý quy mô dân số - điều được các thành phố “kiểu mẫu“ như Singapore hay Zurich thực hành triệt để hàng chục năm qua

Người công dân đô thị

Một đô thị đứng trước thử thách của nó khi đối diện với những đòi hỏi có tính thời đại. Đòi hỏi đó thường liên quan đến kích thước. Về lý thuyết, một đô thị bền vững sẽ có sự tăng trưởng chậm và kéo dài. Sự tăng trưởng đó đảm bảo cho các chuyển đổi xảy ra mềm mại và nó không huỷ hoại chính những gì đã định nghĩa nó. Chúng ta thường lúng túng trước một đô thị đang phải đối diện với áp lực tăng trưởng. Có nhiều nguyên nhân tạo nên áp lực đó và áp lực chủ yếu có liên quan đến “con người đô thị” là “quy mô dân số” – một yếu tố hữu hình.

Đôi khi chúng ta xem dân số như “một con số tất nhiên” và đặt nó ra ngoài đô thị.Trong khi ngược lại, chính dân số mới là nguyên nhân và là đích đến của chức năng đô thị. Lấy ví dụ như ở nội thành Hà Nội nơi tắc đường diễn ra hàng ngày, chúng ta cũng đã và đang chứng kiến khủng hoảng nhà ở và hạ tầng kéo dài gần hai thập kỉ qua. Chúng ta oán trách chính thành phố của mình mà quên đi những thống kê về sức tăng dân số. 

Cứ mỗi năm, Hà Nội đón thêm 300 nghìn người và 1/3 trong số họ là người nhập cư. Con số này tương đương với lượng dân của một thành phố ở châu Âu. Khi đó, ta nhận ra rằng dù sở hữu điều kiện kinh tế tốt ra sao thì một đô thị cũng không nên phát triển ở tốc độ không tưởng bởi những đứt gãy ở hạ tầng sẽ diễn ra như điều tất yếu. Có thể nói, chúng ta gần như mới chỉ nhìn vào bề nổi của các đô thị mẫu mực cũng như dừng lại ở biểu hiện bên ngoài của một học thuyết. Cũng phải nói thêm rằng, học thuyết đó không bắt nguồn từ bối cảnh đô thị và con người Việt Nam.

Bản sao đô thị hay hạnh phúc ‘đổ đống’ cho người Việt? 2
Giá trị của một thành phố sẽ chẳng còn gì nếu ta xa rời khỏi yếu tố “con người đô thị“

Không dừng lại ở yếu tố quy mô dân số hữu hình, “con người đô thị” còn tồn tại ở cả chiều vô hình: yếu tố xã hội hoá. Một thành phố hay đô thị không đơn thuần chỉ hình thành và tồn tại trong cơ thể vật lý của mình. Nơi ấy hiện hữu sống động trong những câu chuyện và kỉ niệm của mỗi con người từng sinh ra hay sống trong lòng thành phố ấy. 

Một người dân sống trong đô thị nọ đủ lâu, anh ta không chỉ trở thành một bộ phận của không gian đô thị ấy mà đồng thời, có một đô thị cũng được hình thành và xây dựng trong suy nghĩ của anh ta. Vậy nên, nếu Paris có tới hơn 2 triệu dân đang sinh sống, thế giới cũng có từng ấy những thành phố Paris.

Nhưng, một người dân đô thị hạnh phúc chỉ khi mà khối đô thị trong tâm hồn họ đủ lớn và bản thân người đó tìm được chỗ dành cho riêng mình. Nơi chốn đó là “không gian làm việc, học tập, ăn ở“ - nơi nuôi dưỡng phần thể xác và phần tinh thần được nuôi lớn bằng các mối quan hệ và tính xã hội hóa. Đô thị của riêng mỗi người tổng hoà lại, trở thành mô hình văn hoá và bản sắc chung của đô thị nơi họ đang sống. Mô hình văn hoá ảnh hưởng tới tư tưởng con người đô thị và quan trọng đến mức có thể nói là không thể tiến hành xã hội hoá nếu bỏ qua các mô hình văn hoá. Một đô thị thực sự sẽ chỉ hiện hữu khi quy mô dân số và mô hình văn hoá gặp gỡ, song hành.

Sự khác biệt ở yếu tố con người đã làm cho Rome khác với Berlin, Hà Nội khác Bangkok hay Hải Phòng khác với Napoli... Rõ ràng, các thành phố được sinh ra để chứa đựng công dân của chính nó chứ không phải là con người ở một nơi nào khác. Cuộc sống đô thị có thể có thay đổi đầy biến động nhưng đô thị phải có đủ chỗ cho mọi công dân của nó. 

Bản sao đô thị hay hạnh phúc ‘đổ đống’ cho người Việt? 2
“Thành phố là những gì nó cần phải là, bởi lẽ những người công dân đã luôn là chính họ“ - Plato

Một đô thị đúng nghĩa có chỗ cho cả trẻ em, người trẻ hay người già, có chỗ cho người khỏe mạnh và cả người khuyết tật, có chỗ cho các cặp vợ chồng, cho người độc thân và cho đôi lứa yêu nhau. Đô thị đúng nghĩa sẽ đủ chỗ cho người giàu, người trung lưu và cũng rộng lòng ôm lấy những thân phận nghèo hèn. Một đô thị thực sự luôn bao dung với những công dân của nó và lạnh nhạt với những thay đổi chớp nhoáng, từ chối hoặc thoả hiệp với mọi thay đổi một cách có chọn lọc dẫn đến tăng trưởng chậm và kéo dài.

Hạnh phúc theo khuôn mẫu“?

Các thành phố ở Việt Nam có thể phát triển nhanh chóng, điều đó là tín hiệu đáng mừng ở góc độ kinh tế. Tuy nhiên vẫn có nhiều tiêu cực hiện hữu trong đô thị ngày nay như tắc đường, khủng hoảng nhà ở, tính bất khả thi của giá bất động sản, sai phạm trong sở hữu đất... và đều là biểu hiện của những đứt gãy về cơ cấu đô thị hay dân số. Đứng trước các vấn đề đặc thù đó, ta nhận ra rằng những đích đến như Singapore hay Paris đều trở nên quá đỗi xa vời.

Một đô thị hiện đại, hào nhoáng hay thơ mộng chưa chắc đã là một đô thị hạnh phúc bởi có thể nó đã bỏ rơi lại phía sau những thân phận của con người hoặc từ chối con người sống bên trong nó. Dù phát triển là quy luật tất yếu nhưng sự phát triển nhanh chóng và thiếu kiểm soát cũng không phải là minh chứng cho sự quyết đoán hay tiềm năng của nhà lãnh đạo mà chỉ tạo ra các hố sâu ngăn cách không thể san lấp. Trong khi đó, dựa trên các nguyên lý cơ bản(4) thì “nền kinh tế vỉa hè“ tại Hà Nội và TP.HCM lại có thể coi là một một biểu hiện cơ bản của thành phố thông minh. Chúng chứa đựng các khả năng, linh hoạt và mở ra cơ hội cho mọi công dân sống trong đô thị để họ có thể tự tìm ra chỗ dành cho mình.

Rõ ràng chúng ta cũng có những yếu tố “thông minh“ mà các đô thị khác không có, hiện hữu với đầy đủ những ưu và nhược điểm như bất cứ sự vật hiện tượng nào. Thay vì chối bỏ theo hướng phủ định sạch trơn, có nhiều điều ta có thể học hỏi từ nó trong quá trình phát triển đô thị. Lí do đơn giản, bởi nó đã được mài dũa và chứa đựng biết bao thân phận con người Việt Nam trong nửa thế kỷ đã qua.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng