“Bánh kẹp nhân Samsung” trong thị trường di động thế giới

Phương Mai - 20:23, 27/08/2018

TheLEADERMắc kẹt giữa Apple và các đối thủ Trung Quốc, gã khổng lồ Hàn Quốc cần sự đột phá bằng việc tìm đến những đổi mới công nghệ.

“Bánh kẹp nhân Samsung” trong thị trường di động thế giới
Samsung đang mất dần thị phần cho các thương hiệu mới. Ảnh: Getty Images/CNBC

Năm 2007, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee quan sát thấy Hàn Quốc đang dần bị kẹp giữa các nền kinh tế phát triển có công nghệ cao và Trung Quốc với các sản phẩm chi phí thấp.

11 năm sau, doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc thật sự bị kẹp tại chính giữa. Ở phân khúc hàng đầu, Samsung phải đối mặt với Apple sở hữu giá trị 1 nghìn tỷ USD và sự ưa thích tuyệt vời từ phía người tiêu dùng thân thuộc. Ở phân khúc dưới, các thương hiệu Trung Quốc giá thành rẻ hơn đang lan tỏa nhanh chóng trên toàn cầu và lấy dần thị phần của Samsung, Asian Nikkei Review nhận định. 

Áp lực đối với Samsung và thậm chí với cả Apple ngày càng gia tăng từ bên dưới.

Theo các công ty nghiên cứu như International Data Corporation (IDC), Counterpoint Research, IHS Markit và Canalys, Huawei đã nhảy qua Apple lên vị trí thứ hai toàn cầu về số lượng sản phẩm bán ra trong quý kết thúc vào 30/6.

Số liệu sơ bộ của IDC đưa tin bởi CNBC cho biết trong quý vừa rồi, Huawei đã bán ra khoảng 54,2 triệu chiếc, tăng tới 40,9% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, con số này của Apple chỉ vào khoảng 41,3 triệu chiếc, tăng 0,7%.

Trong khi Samsung vẫn dẫn đầu lĩnh vực điện thoại thông minh (smarphone) toàn cầu với 20% số lượng sản phẩm bán ra, sự hiện diện của ông lớn này đang dần mờ đi. Quý II vừa qua, Samsung chỉ dành được 1% thị phần tại thị trường Trung Quốc, ít hơn rất nhiều mức hai con số mà thương hiệu này từng dành được.

Tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, Xiaomi sau khi điều chỉnh chiến lược giá đã vượt qua người dẫn đầu Samsung trong vòng sáu tháng qua.

Tại Indonesia, Vivo đánh dấu sự ra mắt của V9 bằng một buổi gala hoành tráng. Sự kiện này được xem như buổi tiệc ăn mừng của Vivo và cho cả những nhà sản xuất điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc như Oppo và Huawei.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu IDC của Mỹ, năm 2017, ba thương hiệu trên bán được 29,8 triệu chiếc smartphone tại 5 thị trường Đông Nam Á, lớn hơn con số 29,3 triệu của Samsung và gấp 20 lần mức bán của năm 2013.

Chưa dừng lại, các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi đang cho thấy sự xâm nhập vào các thị trường khác tại châu Á và thậm chí còn chiếm dần thị phần của Samsung tại phương Tây. Vấn đề đối với Samsung hiện không chỉ là sự cạnh tranh về giá mà còn là cạnh tranh về đổi mới và chất lượng từ Trung Quốc.

Đây cũng là diễn biến đáng lo ngại đối với thương hiệu điện thoại hàng đầu Apple. Trung nhiều năm qua, iPhone và Galaxy cùng chia nhau thống lĩnh thị trường gần 500 tỷ USD. Tuy nhiên, Apple ít nhất đang cho thấy sự tăng trưởng từ các dịch vụ trên điện thoại, một phần nhờ vào hệ sinh thái iTunes. Định giá cổ phiếu Apple tiếp tục gia tăng và tăng trưởng 37% trong vòng hai tháng qua.

Trong khi đó, cổ phiếu của Samsung gần như thiếu đi sự tăng trưởng và thậm chí giảm tới 9% trong năm nay, theo Bloomberg.

Thu nhập ròng đạt 9,8 tỷ USD trong quý vừa qua, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó giữa bối cảnh doanh số bán hàng chậm chạp. Nhu cầu đối với chíp bộ nhớ không thể bù đắp được sự thiết hụt của những lô hàng smartphone.

Mọi thứ dường như có thể tệ hơn khi công nghệ tại Trung Quốc tiếp tục dâng cao, đặc biệt là khi Huawei có thể trở thành cái tên đầu tiên đưa điện thoại cảm ứng đầu tiên ra thị trường, chiếm lĩnh vị trí mà Samsung từng nói sẽ thống trị.

Theo thông tin từ Asian Nikkei Review, Samsung đã đưa ra kế hoạch tung ra chiếc smartphone có thể gập lại trong hành trình kỷ niệm 10 năm ra mắt dòng Galaxy vào nửa đầu năm sau tuy nhiên, hiện cũng chưa rõ số lượng cụ thể và thị trường sản phẩm mới sẽ được tung ra.

Những rắc rối của Samsung không dừng lại ở con số mà xuất hiện ngay tại những vị trí quan trọng. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn phải vượt qua hệ thống kinh tế đã sản sinh ra nó bởi người ta không chỉ đơn giản gọi Samsung là cả một đế chế mà không có lý do gì. Nếu Samsung trượt ra khỏi đường ray, đó cũng sẽ là tương lai và triển vọng của 51 triệu người dân Hàn Quốc trong bối cảnh một mình doanh nghiệp này cũng đã tạo ra gần 1/4 tổng doanh thu thuế.