Bắt mạch cho kinh tế Việt Nam

An Chi - 08:44, 30/05/2023

TheLEADERKhông phải lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguy cơ suy thoái mới là điều đáng lo ngại của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Bắt mạch cho kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế và doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn

Nguy cơ suy thoái kinh tế

Bàn về lựa chọn giữa duy trì lạm phát ở mức thấp hay ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã được kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên, tác động không mong muốn của nó là kiểm soát lạm phát phải đi đôi với hạn chế nguồn lực bơm ra thị trường.

Điều này đã dẫn đến dòng tiền, vốn được ví như máu của nền kinh tế bị tắc nghẽn, doanh nghiệp khó tiếp cần dòng vốn để hồi phục và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, những cảnh báo về nguy cơ lạm phát cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường tiêu dùng, hàng hoá bị thu hẹp.

Theo ông Cường, nếu Chính phủ quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt tiền tệ, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp sẽ khiến doanh nghiệp không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Điều này là vô cùng nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát thế giới vào Việt Nam ít nhưng áp lực suy thoái lại cao hơn, đáng lo ngại hơn rất nhiều. 

Lạm phát
GS.TS. Hoàng Văn Cường. Ảnh: Baochinhphu.vn

Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát khá thành công, nhưng thực tế thị trường thế giới thu hẹp sau hai năm đại dịch, hàng hoá khó tiêu thụ, không có đơn hàng. Các doanh nghiệp đang trong tình cảnh hết sức khó khăn.

Theo số liệu khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tỉ lệ doanh nghiệp khó khăn và phải cắt giảm lao động là trên 80%, hơn 20% các doanh nghiệp phải cắt giảm một nửa lao động, hơn 50% doanh nghiệp rất cần hỗ trợ về vốn.

"Nếu Chính phủ không có hành động sớm để kịp thời hồi phục các doanh nghiệp và nền kinh tế, chờ lúc suy thoái rồi mới bơm tiền vào cứu trợ thì khó phục hồi sẽ là quá muộn. Cơ thể mà quá yếu thì thêm thuốc bổ cũng không phục hồi được", ông Cường nhấn mạnh.

Trong tương lai, thế giới có thể có hai xu thế, một là suy thoái, khủng hoảng; hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là "chậm chân", Việt Nam phải tính trước các giải pháp để ứng phó kịp thời. 

Vì vậy, thời điểm hiện tại là vô cùng quan trọng để Chính phủ tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp. Nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay dựa vào hai nguồn thị trường trái phiếu và hệ thống cấp vốn từ các ngân hàng.

Cần tập trung cho phục hồi tăng trưởng

Trước bối cảnh hiện nay, ông Cường cho rằng, Chính phủ cần cân bằng các chính sách kiểm soát lạm phát và nới lỏng tiền tệ, chuyển hướng hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, để tạo tăng trưởng, công ăn việc làm. Doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sẽ giúp duy trì cân bằng kinh tế vĩ mô. 

Do đó, Chính phủ trong giai đoạn này cần chuyển hướng, tập trung cho tăng trưởng, thay vì giữ nguyên các chính sách như năm trước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bàn về giải pháp cụ thể, theo ông Cường, về chính sách tiền tệ, Việt Nam đang rất quyết liệt trong điều hành để giảm lãi suất sớm giúp nguồn lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần hết sức thận trọng vì nếu bối cảnh thế giới diễn ra xấu, trong nước cũng cần có năng lực để đối phó. 

Đối với chính sách tiền tệ, Chính phủ cần tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng thận trọng và phải kiểm soát được dòng tiền. "Nếu trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu mà chúng ta không kiểm soát được dòng tiền, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, thanh khoản ngay, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, chỉ làm hao hụt nguồn lực của tài chính", vị chuyên gia này nhận định.

Về tài khóa, Việt Nam đang có dư địa khá tốt để thực hiện chính sách tài khóa. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê đất và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%. Đây là những biện pháp rất kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải chủ động các chính sách hỗ trợ, thậm chí một số chính sách về tài khóa hỗ trợ mạnh hơn nữa. Đơn cử như về lãi suất, nếu lãi suất giảm hơn nữa sẽ giúp hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, như vậy sẽ tăng được cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp.

Điểm cuối cùng là các cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy, hành động, cần phải tháo được nút thắt về mặt thể chế để khơi thông nguồn lực. Trong bối cảnh thế giới chưa phục hồi, thị trường thế giới còn đang hấp thụ yếu, Việt Nam cần phải khơi thông nguồn lực để tăng năng lực nội địa trong nước. 

Hiện nay, các nút thắt này đang diễn ra khá phổ biến. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư công giải ngân không đạt kỳ vọng; hay gói Nghị quyết 43 về vốn phục hồi kinh tế cho tới thời điểm này chưa giải ngân được nhiều, vẫn vướng vào những cơ chế chính sách. Do đó, Chính phủ cần gỡ vướng về thể chế chính sách thì mới giải phóng được các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Về vấn đề nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, Chính phủ phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng. Đó là giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều sắc thuế… cho doanh nghiệp, cho người dân. Bên cạnh đó là tăng cường, mở rộng đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác. Chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ cho Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác.

Cập nhật về tình hình tài khóa, kết quả năm 2021-2022 đã được công bố công khai. Kết quả năm 2022, thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được như dự toán, mặc dù có giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm không nhiều.

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, chính sách tài khoá và tiền tệ cần gắn kết với nhau. Nếu tài khóa thâm hụt, Nhà nước sẽ phải tiếp tục ra thị trường vay mượn nhiều hơn thì lãi suất có thể tăng lên. Lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu Chính phủ phải tăng, sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống lãi suất, vì lãi suất chính phủ là lãi suất nền. 

Chính vì vậy, dựa trên kinh nghiệm và kết quả thời gian vừa qua, Chính phủ cần lưu ý hài hòa các chính sách tài khoá và tiền tệ. Khi hài hòa được các chính sách, Việt Nam sẽ đạt được các kết quả mong muốn, trong đó có việc kiểm soát lạm phát và phục hồi tăng trưởng, ông Chi nhấn mạnh.