Bị EU phán quyết là công ty vận tải, số phận Uber tại Việt Nam sẽ ra sao?

Đức Anh - 13:29, 23/12/2017

TheLEADERTòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt khi phân loại Uber là một loại dịch vụ vận chuyển và sẽ được điều chỉnh giống như các nhà khai thác taxi khác.

Phán quyết này không chỉ là một đòn giáng mạnh vào Uber – công ty dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng đắt giá nhất hành tinh mà còn có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyên khác tại châu Âu.

Kể từ khi xuất hiện năm 2011, Uber đã làm đảo lộn ngành công nghiệp taxi trên toàn thế giới. Hiện dịch vụ này đã được triển khai tại hơn 600 thành phố trên thế giới với mức định giá 68 tỷ USD.

Trong vụ việc mới nhất liên quan đến vấn đề pháp lý, Uber lập luận và cho rằng đây chỉ là một ứng dụng kỹ thuật số, đóng vai trò trung gian giữa tài xế và hành khách. Uber cho phép hành khách gọi xe thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Do đó, Uber sẽ được chịu sự điều tiết ít khắt khe hơn đối với quy định về dịch vụ trực tuyến của EU.

Tuy nhiên, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) lại cho rằng dịch vụ mà Uber cung cấp thuộc lĩnh vực vận tải nên các quốc gia thành viên có quyền kiểm soát và điều tiết Uber theo những điều kiện, yêu cầu về cung cấp dịch vụ vận tải.

Người đứng đầu của EU đánh giá phán quyết mới này tạo ra sự rõ ràng về vị trí của Uber tại thị trường châu Âu và cho rằng sự kiểm soát của Uber đối với lái xe, khả năng định giá và dịch vụ điện tử của Uber không thể tách rời trải nghiệm của khách hàng đồng nghĩa với việc đây không chỉ đơn giản là một nền tảng kết nối.

Trước đó, một hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp tại Tây Ban Nha đã đâm đơn kiện Uber lên ECJ do những hoạt động của công ty này gây ra hiểu nhầm và tạo ra cạnh tranh không bình đẳng tại thị trường Tây Ban Nha.

Vụ kiện của Uber được xem là một phép thử về cách điều tiết nền kinh tế chia sẻ tại châu Âu.

Mặc dù vậy, Uber cho biết phán quyết này của ECJ sẽ chưa có ảnh hưởng tức thì tới hoạt động gọi xe của doanh nghiệp này tại châu Âu khi công ty này đã cắt giảm các dịch vụ không được cấp phép và tuân thủ luật vận tải tại đây.

Uber đã phải chiến đấu với các nhà quản lý khi liên tiếp gặp phải các vấn đề về pháp lý để có thể mở rộng từ một công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon đến doanh nghiệp được định giá 68 tỷ USD. Uber dự kiến sẽ chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2019.

Tại Việt Nam, chỉ sau gần 2 năm được thực hiện thí điểm, Uber đã phát triển chóng mặt tại một số tỉnh thành, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tính đến thời điểm này, Uber hiện đã có hơn 10.000 xe ở Hà Nội và hơn 22.000 xe ở TP. HCM.

Với chính sách thí điểm, chưa chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý cùng với những ưu điểm áp đảo về công nghệ thông minh và giá cước rất cạnh tranh, Uber đã được người dùng ưa thích hơn so với taxi truyền thống và điều này đã đẩy taxi truyền thống vào cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Nhiều hãng taxi truyền thống như Mai Linh hay Vinasun đã buộc phải thay đổi khi dần tụt lùi trong cuộc đua với những khoản lỗ cũng như giảm số lượng đội xe.

Uber chịu phán quyết là một công ty taxi
Nhiều xe taxi dán biểu ngữ phản đối việc thí điểm. Ảnh Lao động

Văn bản cuối tháng 10/2017 của Bộ Công Thương gửi lên Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ, các ứng dụng như Uber hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, các ứng dụng thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách như Uber cần xác định là cả cung cấp dịch vụ của mình và cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cuối tháng 11 vừa qua, Tổng cục thuế cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra thuế đối với Uber và đây không phải là vấn đề pháp lý duy nhất mà Uber phải đối mặt.

Dự kiến còn không đầy một tháng nữa, thời gian thí điểm của Uber tại Việt Nam sẽ kết thúc và con đường phía trước của doanh nghiệp này tại Việt Nam vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.