Biến đổi khí hậu đe doạ an ninh lương thực ASEAN

Phạm Sơn - 09:05, 19/09/2021

TheLEADERKhảo sát với các chuyên gia và cả với những người nông dân đều cho thấy biến đổi khí hậu là đe dọa hàng đầu đối với an ninh lương thực ở Đông Nam Á, khu vực vốn có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu đe doạ an ninh lương thực ASEAN
Sản xuất lương thực ASEAN có thể bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Ảnh: KD&PT.

Với vị trí tự nhiên thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, các quốc gia ASEAN có vị thế quan trọng trong xuất khẩu nông sản và đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 20% sản lượng gạo trong thương mại toàn cầu, góp phần tích cực duy trì an ninh lương thực cho những khu vực nghèo đói ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh.

Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), 81% trong số hơn 600 chuyên gia ở các quốc gia Đông Nam Á nhận xét, nguồn cung cấp an ninh lương thực tại nơi này đang bị de dọa bởi biến đổi khí hậu.

Philippines và Việt Nam là hai quốc gia có tỷ lệ chuyên gia tỏ ra lo ngại về an ninh lương thực cao nhất. Các chuyên gia Philippines đặc biệt lo lắng về tình hình bão lũ đã gây nên những thiệt hại nặng nề về người và của trên diện rộng trong suốt những năm qua. Trong khi đó, khu vực Tây Nam Bộ, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam đang là nơi chịu tác động mạnh từ nước biển dâng, dẫn đến hạn mặn và sạt lở đất.

Singapore là đất nước cá biệt trong khu vực khi hầu như không có hoạt động nông nghiệp, do đó an ninh lương thực phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Một số hoạt động nông nghiệp đô thị đã được triển khai tại Singapore để “tự cung tự cấp”, tuy nhiên có sản lượng không đáng kể.

Trước đó, một nghiên cứu của Tổ chức Croplife châu Á cũng chỉ ra, biến đổi khí hậu và các tác động đa chiều là thách thức nghiêm trọng nhất đối với lương thực tại khu vực ASEAN. Kết quả được đưa ra sau một khảo sát được thực hiện với hơn 500 nông dân tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Khảo sát cũng cho thấy người nông dân tại Philippines và Việt Nam lo lắng nhiều nhất đến tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lương thực.

Chuyên gia của Croplife nhận định, chuỗi cung ứng nông sản khu vực Đông Nam Á đang ngày càng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cũng là những mắt xích yếu thế nhất trong chuỗi cung ứng, là các hộ sản xuất và trang trại canh tác quy mô nhỏ.

ISEAS cho biết, nhiều giải pháp đang được các quốc gia ASEAN đẩy mạnh để giảm thiểu nguy cơ bất ổn trong an ninh lương thực, như cải thiện năng suất, tăng sức chống chịu của cây trồng, vật nuôi hay các giải pháp về thủy lợi.

Singapore cũng tiên phong triển khai nhóm giải pháp liên quan đến công nghệ, đặc biệt đối với việc phát triển thịt, cá từ thực vật và tế bào.

Trả lời khảo sát của ISEAS, các chuyên gia hầu như đồng ý với quan điểm coi biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng tương tự như đại dịch Covid-19. Trước cơn khủng hoảng này, những chính sách, cam kết mạnh mẽ từ chính phủ và nỗ lực từ khu vực tư nhân đều vô cùng quan trọng, không chỉ bảo vệ sản xuất, duy trì sinh kế người nông dân mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp.