Bình Thuận tìm lại vị thế ‘thủ đô resort’

Hứa Phương - 15:23, 16/09/2019

TheLEADERBình Thuận từng đi đầu cả nước trong phát triển khu du lịch ven biển nhưng gần như bị quên lãng trong làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng mấy năm trước. Tuy nhiên, Bình Thuận bắt đầu trỗi dậy tìm lại vị thế "thủ đô resort".

Bình Thuận tìm lại vị thế ‘thủ đô resort’
Du lịch nghỉ dưỡng ở Mũi Né đã phát triển được hơn hai thập kỷ

UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 22/9/2019 với mong muốn mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, có giá trị lan tỏa và góp phần thúc đẩy phát triển các khu vực đô thị.

Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ tập trung thu hút đầu tư vào ba trụ cột chính, bao gồm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Bình Thuận mong muốn phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp.

Bình Thuận cũng muốn thúc đẩy đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi nhằm khai thác khu vực biển hơn 7.600 km2, tốc độ gió bình quân khoảng 10m/s, có tiềm năng phát triển điện gió xa bờ, công suất điện có thể đạt từ 40.000 MW đến 50.000 MW.

Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó hướng đến xây dựng một trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế gắn với mô hình phức hợp, bất động sản du lịch gắn với các khu thể thao khai thác địa hình, cảnh quan khu vực đa dạng.

Mũi nhọn du lịch

Trên thực tế, du lịch từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Bình Thuận. Kể từ khi được du khách quốc tế biết đến nhờ hiện tượng nhật thực toàn phần ở Mũi Né vào năm 1995, Bình Thuận đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư du lịch. Hàng chục khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng dọc theo bờ biển Mũi Né, biến nay này thành "thủ đô resort" của cả nước. 

Tuy nhiên, phần lớn các khu du lịch đều có quy mô nhỏ, việc phát triển du lịch mang nặng tính tự phát và xung đột với quy hoạch khai thác khoáng sản. Chính vì thế, sau một thời gian phát triển nóng, đầu tư vào du lịch Bình Thuận chững lại, thậm chí địa phương này hầu như không còn xuất hiện trên bản đồ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vốn bùng nổ mạnh mẽ trong mấy năm qua. 

Mặc dù vậy, không vì thế mà Bình Thuận mất đi sức hút. Nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận sở hữu bờ biển dài 192 km với nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu nắng ấm và văn hoá Chăm giàu bản sắc. 

Trong những năm gần đây, Bình Thuận vẫn là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2018, Bình Thuận thu hút 5,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.864 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017.

Lượng khách và doanh thu du lịch tăng trưởng hai con số là những yếu tố khiến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí thể thao biển luôn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Bà Cao Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, Bình Thuận có vị trí rất thuận lợi để phát triển du lịch vì chỉ cách TP. HCM chỉ 4 đến 5 giờ chạy xe. Đặc biệt, Bình Thuận sở hữu sức gió lý tưởng cho phát triển những môn thể thao cảm giác mạnh như lướt ván diều, lướt sóng, đua thuyền.

Tuy nhiên, định hướng thu hút đầu tư vào du lịch của Bình Thuận đang thay đổi. Nếu như hầu hết các khu du lịch xây dựng trước đây có quy mô nhỏ thì hiện nay tỉnh muốn thu hút những nhà đầu tư chiến lược với những dự án tầm cỡ để phát triển thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí để có cơ sở tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.

Bên cạnh đó, địa phương được mệnh danh là "thủ đô resort" còn mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào các dự án dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm, nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm của địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6433/VPCP-QHĐP ngày 19/7/2019.

Tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện đảo Phú Quý đảm bảo các tiêu chí về thân thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

‘Thủ đô resort’ làm mới mình để hút nhà đầu tư
Bình Thuận bắt đầu thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh như Novaland để phát triển những khu phức hợp nghỉ dưỡng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, để địa phương trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, tỉnh cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh; đồng thời phát huy hệ thống dịch vụ logistics thông qua Cảng quốc tế Vĩnh Tân nhằm kết nối kinh tế vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tạo hành lang kinh tế Đông - Tây.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng và với cả nước cũng sẽ được cải thiện nhờ hai dự án trọng điểm là sân bay Phan Thiết và tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với tổng vốn đầu tư lên đến 25.000 tỷ đồng.

Với lợi thế sẵn có cùng định hướng ưu tiên phát triển du lịch, Bình Thuận đang được nhiều tập đoàn lớn xem là địa bàn chiến lược để đầu tư, trong đó điển hình là Novaland với hai dự án lớn là NovaWorld Phan Thiet và NovaHills.

Tổ hợp NovaWorld Phan Thiet với quy mô gần 1.000ha được phát triển theo mô hình vui chơi giải trí, thể thao biển kết hợp với du lịch, nghỉ dưỡng và các sản phẩm ngôi nhà thứ hai. Dự án đang được Novaland xây dựng hạ tầng với kỳ vọng trở thành một tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao biển của khu vực với rất nhiều hạng mục lớn như khu thể thao phức hợp 220ha, sân golf 36 lỗ, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, công viên biển 16ha trải dài 7km bờ biển Phan Thiết.

Novaland cũng đang đầu tư một dự án khác là NovaHills Mũi Né với hàng trăm biệt thự mang phong cách kiến trúc Địa Trung Hải ấn tượng cùng tiện ích nội khu cao cấp như trung tâm hội nghị lớn, hồ bơi tràn ba tầng, trung tâm spa và chăm sóc sức khoẻ, cánh đồng hoa rộng, tháp quan sát vịnh biển ở cao độ trên 100m.

Bên cạnh Novaland còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng đang xúc tiến đầu tư những dự án lớn như Hưng Lộc Phát với dự án Mũi Né Summerland Resort, Apec với dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né hay DRH Holdings với khu du lịch Lạc Việt.

Bình Thuận đang tự làm mới mình để đón nhận một làn sóng đầu tư mới với kỳ vọng sẽ tìm lại vị thế "thủ đô resort".