Bộ mặt mới ngành ngân hàng

Trần Anh - 06:31, 06/02/2022

TheLEADERXu thế trẻ hóa dàn lãnh đạo của các nhà băng không chỉ mang ý nghĩa kế thừa, mà còn phản ánh những chuyển động bên trong của toàn ngành ngân hàng, khi mà chiến lược ngân hàng bán buôn, tập trung vào số lượng nhỏ các khách hàng lớn dần nhường chỗ cho ngân hàng bán lẻ, những xu thế mới như chuyển đổi số, AI, dữ liệu lớn…

Bộ mặt mới ngành ngân hàng
Cuộc đua chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

Những vị chủ tịch ngân hàng thế hệ 8x

Năm 2012, ông Trần Hùng Huy ngồi lên chiếc ghế nóng Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) khi mới 34 tuổi, trở thành vị chủ tịch trẻ nhất trong ngành ngân hàng. Ở một lĩnh vực được đánh giá là bảo thủ như ngân hàng, các vị trí lãnh đạo cấp cao luôn đòi hỏi thời gian tích lũy nhiều kinh nghiệm lẫn các mối quan hệ. Do đó, việc một người lên giữ chức chủ tịch ngân hàng khi chưa tới 40 tuổi được xem là một sự kiện hiếm có.

Tuy nhiên, chưa đầy 10 năm sau, ngành ngân hàng đã ghi nhận hàng loạt những lãnh đạo được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT với tuổi đời còn rất trẻ. Đầu năm nay, ngân hàng Vietbank giới thiệu tân Chủ tịch HĐQT Dương Nhất Nguyên cho nhiệm kỳ mới 2021-2025. Sinh năm 1983, ông Dương Nhất Nguyên trở thành chủ tịch một nhà băng khi mới 37 tuổi.

Ông Dương Nhất Nguyên là con trai của nguyên chủ tịch VietBank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Dù ít khi xuất hiện trên truyền thông, Tập đoàn Hoa Lâm vẫn là một tên tuổi rất nổi bật trên thương trường với lịch sử hơn 20 năm kinh doanh. Bà Trần Thị Lâm được tạp chí Forbes xếp vào nhóm 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Cũng ở tuổi 37, ông Phương Thành Long vừa được VietABank bổ nhiệm là chủ tịch ngân hàng thay ông Phương Hữu Việt. Ông Phương Thành Long là con trai của ông Phương Hữu Lĩnh, anh trai của ông Phương Hữu Việt. Trước khi trở thành chủ tịch nhà băng, ông Long đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng khi có gần 15 năm làm việc tại các tổ chức tài chính, đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc VietABank phụ trách Khối tài chính kế toán và quản trị rủi ro của ngân hàng.

Bên cạnh những “người thừa kế”, năm 2021, ngành ngân hàng còn chào đón những “lãnh đạo 8x” tại những ngân hàng có biến động sở hữu mạnh mẽ. Cụ thể, bà Trần Thị Thu Hằng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank). Ở tuổi 36, bà Hằng là chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất ở Việt Nam hiện nay. Bà Hằng trở thành Chủ tịch KienlongBank sau khi cơ cấu cổ đông của nhà băng này bất ngờ thay đổi, với sự xuất hiện của nhóm cổ đông đến từ Sunshine Group.

Tương tự, bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Sungroup được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) sau Đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng này vào giữa năm. Trước đó, NCB có biến động lớn về sở hữu khi xuất hiện những giao dịch quy mô lớn cổ phiếu này trên sàn chứng khoán.

Sinh năm 1980, bà Hương sở hữu cho mình một bảng thành tích đáng nể với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính ngân hàng, quản lý điều hành doanh nghiệp, kinh qua hàng loạt vị trí quan trọng tại TPBank, SeABank và Sungroup.

Xu hướng tất yếu của cuộc đua ngân hàng số

Xu thế trẻ hóa dàn lãnh đạo của các nhà băng không chỉ mang ý nghĩa kế thừa, mà còn phản ánh những chuyển động bên trong của toàn ngành ngân hàng, khi mà chiến lược ngân hàng bán buôn, tập trung vào số lượng nhỏ các khách hàng lớn dần nhường chỗ cho ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số.

Bộ mặt mới ngành ngân hàng
Tất cả những cải tiến ngân hàng nay tập trung vào đáp ứng trải nghiệm khách hàng.

Với đặc thù một quốc gia đang phát triển là thu nhập trung bình thấp, hệ thống ngân hàng còn đang trong quá trình phát triển, nhu cầu tài chính và dịch vụ thanh toán tăng theo cấp số nhân, thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong những thập niên tới.

Quá trình chuyển dịch này càng được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Sự sụp đổ của mô hình “quả đấm thép” cũng là lúc các nhà băng nhận ra việc tập trung vào nhóm nhỏ các khách hàng lớn mang về rủi ro nợ xấu lớn hơn nhiều so với việc phân tán khoản vay sang một nhóm nhỏ đông hơn, với nhu cầu vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng ngày một lớn.

Những ngân hàng sớm nhận ra xu thế đã có những cuộc bứt phá ngoạn mục. Chẳng hạn, Techcombank với những khoản đầu tư sớm vào hệ thống bán lẻ, dẫn đầu cuộc đua “zero fee” – miễn phí mọi loại giao dịch đã giúp ngân hàng lôi kéo được một lượng lớn các khách hàng trẻ trung thoải mái trong tiêu dùng. Kết quả là Techcombank vươn lên trở thành ngân hàng tư nhân có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam.

Các ngân hàng đi sau hiểu rằng, chỉ có bắt kịp xu thế mới không bị bỏ lại phía sau. Cuộc đua ngành ngân hàng ngày nay không còn là cuộc đua những khoản vay khổng lồ dành cho các doanh nghiệp lớn, thay vào đó là cuộc đua chuyển đổi số, AI, dữ liệu lớn… tất cả những cải tiến ngân hàng nay tập trung vào đáp ứng trải nghiệm khách hàng. Mảng tín dụng truyền thống dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi như thẻ, hoạt động bán bảo hiểm bancassurance.

Một cuộc đua hoàn toàn mới đòi hỏi các ngân hàng cũng phải tìm cho mình những chiến tướng mới. Những lãnh đạo ngân hàng sinh ra ở thế hệ 8x – thường được gọi là thế hệ Millennials, đây là thế hệ đầu tiên có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ với nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Sinh ra trong thời đại công nghệ, họ là những người hiểu rõ nhất xu thế cũng như nhu cầu của khách hàng.

Tháng trước, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố bổ nhiệm ông Đỗ Quang Vinh làm Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối ngân hàng số với vai trò thực hiện dự án chuyển đổi số và hiện đại hóa ngân hàng. Đỗ Quang Vinh là con trai Bầu Hiển, Chủ tịch HĐQT của SHB, nhưng trước khi được giao vai trò này đã trải qua thời gian dài thử thách ở Khối bán lẻ của ngân hàng.

SHB kỳ vọng Đỗ Quang Vinh và các lãnh đạo trẻ tuổi khác sẽ mang đến làn gió mới trong việc thực hiện chiến lược số hóa ngân hàng. Dù “đến sau” trong cuộc đua chuyển đổi số, các ngân hàng như SHB lại đang sở hữu những lợi thế quan trọng để rút ngắn quá trình triển khai và tạo nên vị thế mới, trong đó có yếu tố nhân sự lãnh đạo.

Một báo cáo của Công ty kiểm toán EY Việt Nam nhận xét, đặc điểm của thế hệ lãnh đạo mới đó là họ dám nghĩ, không ngại chia sẻ ước mơ lớn. Họ dám xác lập một cách rõ ràng, đón nhận mục tiêu kinh doanh cao và luôn trăn trở tìm cách đạt được điều đó. Họ không còn loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ‘cái gì’, ‘như thế nào’. Thay vào đó, họ tập trung giải quyết câu hỏi ‘vì sao’ và ‘sự phù hợp, thích ứng’ như về môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và nguồn lực nhân sự.

Bên cạnh đó, phần đông thế hệ doanh nhân này được tiếp cận nền giáo dục phương tây tiên tiến, được trang bị những kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại và thể hiện tư duy đổi mới, linh hoạt.

Báo cáo ghi nhận tư duy dám nghĩ, dám làm của lớp lãnh đạo trẻ mang lại những hiệu ứng tích cực khi xét về sự tăng trưởng của các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng hay tỷ suất sinh lời, đặc biệt trong tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam và toàn cầu.