Bộ trưởng nói gì về giải pháp nâng hạng du lịch?

Linh Hoàng - 17:17, 06/06/2024

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, để nâng cao thứ hạng, cần giữ các yếu tố được xếp cao và tập trung cải thiện những chỉ số đang có xếp hạng thấp.

Bộ trưởng nói gì về giải pháp nâng hạng du lịch?
Việt Nam đã tạo điều kiện mở cửa cho khách quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: Hoàng Anh

Theo báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 mới đây, Việt Nam giảm ba bậc so với đánh giá gần nhất vào năm 2021, xếp hạng 59/119 nền kinh tế.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47).

Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại, đây là đánh giá có giá trị để xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu đó vào năm 2022, Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch nên số liệu tại thời điểm đó chưa thể như bây giờ.

Để nâng cao các thứ hạng này, ông Hùng đề xuất, cần nâng cao sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh.

Với các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội của du lịch, bộ đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện.

Về hạ tầng du lịch, lãnh đạo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết, Bộ không có thẩm quyền quy định đầu tư, không được phép đầu tư. Địa phương sẽ lập dự án, báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư, thu hút các doanh nghiệp.

Do vậy, chính quyền địa phương cũng cần tập trung, đồng thời quan tâm thêm đến các chỉ số này để tạo sự đồng bộ, cải thiện các chỉ tiêu để lượng khách du lịch tăng lên.

Về chính sách thị thực – visa, nhiều quốc gia khác sử dụng điều này như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Ông Hùng cho biết, Việt Nam cũng nhận thức được điều này và đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch.

Tham khảo mô hình một số quốc gia, bộ đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn.

Liên quan đến nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu. Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%, 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% là làm tại các đơn vị khác.

Theo ông Hùng, cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề và nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, nhiều chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để du lịch Việt Nam có thể gia tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho biết, đối với hàng không, trước đây, TAB đã đề xuất Việt Nam cần mở cửa bầu trời hơn nữa, tức là tăng tự do hóa, cạnh tranh cho ngành hàng không, cho phép thành lập thêm các hãng hàng không tư nhân để dịch vụ và giá cả tốt hơn.

“Đầu tiên ta nên có tinh thần như vậy đã, sau đó xem xét lại cơ sở hạ tầng hàng không để tính toán lại công suất, đưa ra các kế hoạch mở rộng sân bay với tầm nhìn ít nhất 5 – 10 năm”, ông Chính khuyến nghị.

Cùng với đó, không chỉ cải thiện dịch vụ hàng không mà ngành du lịch cũng cần phải nhìn nhận lại. “Hợp tác giữa du lịch và hàng không chưa thật sự gắn bó. Hai bên cần một cơ chế chung và TAB rất mong muốn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch có thể điều phối và thúc đẩy”.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Outbox, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan quản lý điểm đến.

“Chúng ta không phủ nhận sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, nhưng hiện vai trò và hoạt động không đậm như các nước trong khu vực, bị phân mảnh nhiều về các sở ban ngành địa phương, trong cả định vị thị trường, chiến lược quảng bá”.

Sau Covid-19, Việt Nam là một trong những nước mở cửa đầu tiên nhưng lại thiếu đi chiến lược và kịch bản hành động cho những năm tiếp theo để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

“Điều này cho thấy Việt Nam đang nghiêng nhiều về việc chúng ta có thể làm gì mà quên mất nhu cầu thị trường đang đi tới đâu, vận hành tập trung vào tính sự kiện, sự vụ thay vì có kế hoạch dài hơi”.

“Tính bền vững của nhu cầu thị trường là yếu tố Việt Nam nên tập trung vào. Tuy nhiên, giải pháp mà Cục đưa ra chưa hợp lý bởi khi nhu cầu không ổn định, việc tạo ra nhiều sản phẩm chưa chắc đảm bảo khách gia tăng nhu cầu mà còn tốn nhiều chi phí khác”, ông Phước phân tích.

Theo đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục định vị lại thị trường mục tiêu và phân khúc mà du lịch nên tập trung để tối đa hóa nguồn lực, từ đó giúp du lịch có thêm sức cạnh tranh so với các nước khác.