Bốn trụ cột kinh tế hướng Ninh Bình tới thành phố trực thuộc trung ương

Nhật Hạ - 08:15, 29/05/2024

TheLEADERQuy hoạch mới của tỉnh Ninh Bình hướng tới mô hình phát triển "xanh" dựa trên bốn ngành kinh tế trụ cột gồm du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái.

Bốn trụ cột kinh tế hướng Ninh Bình tới thành phố trực thuộc trung ương
Tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố hôm nay.

Trong đó, quy hoạch mới có mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Tỉnh lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên bốn ngành kinh tế trụ cột, ba hành lang phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Trong đó, bốn ngành kinh tế trụ cột gồm lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Tại hội nghị công bố quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình thời gian tới.

Ông nhấn mạnh, tỉnh cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch.

Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… là những tài sản vô giá. Thủ tướng nhấn mạnh Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các di sản để đẩy mạnh hợp tác công tư.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng Hoa Lư thành thành phố di sản, nghiên cứu xây dựng đoàn nghệ thuật Ninh Bình… Theo đó, tỉnh có thể ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại hình nghệ thuật hát Xẩm, Đại học Hoa Lư có thể mở ngành đào tạo về nghệ thuật này.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hoá, giải trí, chuyển đổi số; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường …

Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, con đường kết nối di sản…

Bốn ngành kinh tế trụ cột của tỉnh Ninh Bình tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị công bố quy hoạch mới của tỉnh Ninh Bình ngày 28/5. Ảnh: Nhật Bắc

Ninh Bình hiện có nhiều tiềm năng, lợi thế. Tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng; điểm giao cắt giữa 3 vùng gồm Vùng đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.

Tỉnh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng có: Có Cố đô Hoa Lư; là một trong tám địa phương có di sản thế giới và là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương..., nhiều nghề thủ công truyền thống đa dạng.

Ninh Bình cũng là một trong ba trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; một trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam.

Dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, nhiều năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu và 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.

Năm 2023, kinh tế tỉnh duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%.

Từ năm 2022 tỉnh thực hiện tự chủ về ngân sách; xuất khẩu xếp 23/63.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, tỉnh còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp, dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%.