'Các gói hỗ trợ đừng chỉ hướng đến doanh nghiệp khó khăn'

Quỳnh Chi - 08:00, 23/05/2021

TheLEADERCác chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng các chính sách cần công bằng hơn với việc hướng đến các doanh nghiệp vẫn đang từng ngày tìm cách duy trì và đẩy mạnh sản xuất thay vì chỉ nỗ lực cứu các doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.

'Các gói hỗ trợ đừng chỉ hướng đến doanh nghiệp khó khăn'
Các nhóm doanh nghiệp khác nhau cần các chính sách hỗ trợ khác nhau

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020. 

Trong đó, gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng…

Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) cho rằng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế. Các chính sách ban hành để đáp ứng với trạng thái khẩn cấp nhưng đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với trạng thái bình thường mới.

Có cùng quan điểm, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và đầu tư) đánh giá, phần lớn chính sách chưa thực sự hiệu quả. Ông Quân cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông Anh, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ người lao động vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện, trong đó có các điều kiện liên quan đến số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp...

'Các gói hỗ trợ đừng chỉ hướng đến doanh nghiệp khó khăn'
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội

Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Trong 2020, Tổng công ty May 10 đã được hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ như hoãn và giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, chính sách tài khoá, hay hệ thống ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất.

Tuy nhiên, CEO May 10 Thân Đức Việt cho biết đến nay, công ty này vẫn chưa tiếp cận được gói 60.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động được đưa ra trong năm 2020. Nguyên nhân, theo ông Việt, là chính sách này yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%.

“Nếu đáp ứng các tiêu chí này thì doanh nghiệp của chúng tôi đã đóng cửa rồi”, ông Việt nói tại tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19”.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, các gói hỗ trợ thời gian qua vô tình bỏ qua đối tượng là nông dân sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua đợt dịch ở Hải Dương, khi nông sản bị ách tắc tiêu thụ. Do vậy, các đối tượng trong chính sách mới cần phải tính toán kỹ hơn, thực sự công bằng hơn.

Các nhóm doanh nghiệp khác nhau cần hỗ trợ khác nhau

Về các gói hỗ trợ của chính phủ trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đề xuất, cần nắm được dữ liệu về doanh nghiệp để căn cứ trên số lượng lao động đóng bảo hiểm, số thuế doanh nghiệp đóng… để có hỗ trợ nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát. Điều này cũng khuyến khích doanh nghiệp minh bạch và đóng thuế đủ.

“Nghịch lý là các chính sách của Việt Nam lại chỉ tập trung vào nhóm doanh nghiệp khó khăn. Như thế là khuyến khích cho người ta khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối, trong khi có những đơn vị đóng thuế đủ lại bị đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khổ sở vì chỉ làm một lĩnh vực, một cửa hàng, khi dịch nổ ra bị đóng cửa ngay lập tức”, ông Phú nói.

'Các gói hỗ trợ đừng chỉ hướng đến doanh nghiệp khó khăn' 1
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Sunhouse

Lãnh đạo Sunhouse cho rằng, cần chia hai nhóm quỹ hỗ trợ. Thứ nhất là bản thân các doanh nghiệp trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay theo đóng góp của họ vào ngân sách. Thứ hai là hỗ trợ các đối tượng khó khăn.

Bên cạnh đó, nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách cần được hỗ trợ mở cửa thị trường, đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh hay các điều kiện để mở rộng sản xuất… Nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả, nhóm này sẽ tạo hiệu ứng lan toả cho các doanh nghiệp vệ tinh.

CEO May 10 cũng cho rằng, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng.

Tiếp đến là nhóm doanh nghiệp vừa đa phần là vệ tinh của doanh nghiệp lớn lại cần những chính sách khác. Nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ cần được hỗ trợ dựa trên đóng góng. Còn nhóm những doanh nghiệp không may thì dùng quỹ kêu gọi từ xã hội.

“Dù vậy, bản chất Chính phủ quản lý rất rộng lớn, bản thân chúng tôi luôn tâm niệm cần tự mình chủ động cứu mình, chuẩn bị cho mọi kịch bản ở nhiều cấp độ và cụ thể bởi mỗi doanh nghiệp đặc thù khác nhau. Cần chuẩn bị trước để có giải pháp hiệu quả trước dịch”, ông Phú cho biết.

Phó chủ tịch Hanoisme cũng nhấn mạnh, các cấp ngành phải cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp. 

Các khoản hỗ trợ này cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.

“Có thể hỗ trợ dựa trên những đánh giá chỉ số đối với các ngành. Từ các chỉ số, có thể chia theo mô hình doanh nghiệp nhỏ vừa, doanh nghiệp lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành của doanh nghiệp đó”, ông Anh nói

Ngoài ra, với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, nhà nước cần sớm có chính sách phát triển cụ thể. Các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt tại châu Âu, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường này. Việc sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã được ký kết.

Trong gói giải pháp, về mặt chống dịch cần quan tâm đến vắc-xin. Dù chưa phải là tất cả nhưng vắc-xin là giải pháp tốt nhất hiện nay để tránh không bị chậm cuộc chơi so với thế giới.

Do vậy, ông Hiếu đề xuất ngoài vắc-xin từ nguồn của Chính phủ nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vắc-xin cho người lao động. Làm được điều này, nguồn vắc-xin của Chính phủ sẽ càng công bằng hơn để tiếp cận với những đối tượng khác trong xã hội.