Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc bùng nổ tại Đông Nam Á

Thùy Dung - 17:58, 17/05/2018

TheLEADERThương hiệu dẫn đầu thị trường Samsung dần tụt lùi trong cuộc chiến với Vivo, Oppo và Huawei

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc bùng nổ tại Đông Nam Á
Vivo phủ xanh các trung tâm thương mại lớn. Ảnh: Reuters

Doanh số bán hàng của ba thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc tại Đông Nam Á đã chính thức đánh bại ông lớn Samsung lần đầu tiên trong lịch sử, cho thấy dấu hiệu của một sự bùng nổ sắp tới.

Trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng bão hòa và Mỹ trở nên khó đoán hơn, các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) của Trung Quốc đã tấn công vào phần còn lại của châu Á.

Tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, Xiaomi sau khi điều chỉnh chiến lược giá đã vượt qua người dẫn đầu Samsung trong vòng sáu tháng qua.

Tại Indonesia, Vivo đánh dấu sự ra mắt của V9 bằng một buổi gala hoành tráng. Sự kiện này được xem như buổi tiệc ăn mừng của Vivo và cho cả những nhà sản xuất điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc như Oppo và Huawei.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu IDC của Mỹ, năm 2017, ba thương hiệu trên bán được 29,8 triệu chiếc smartphone tại 5 thị trường Đông Nam Á, lớn hơn con số 29,3 triệu của Samsung và gấp 20 lần mức bán của năm 2013.

Khu vực này dần trở thành một điểm sáng trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất di động của Trung Quốc. Các cơ quan liên bang đang tạo ra một danh sách đen, có nguy cơ giảm khả năng cung cấp thiết bị viễn thông của Huawei cho các doanh nghiệp Mỹ. Cùng lúc đó, ZTE cũng phải đối mặt với khả năng sụp đổ kinh doanh do lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ.

Tại Trung Quốc, thị trường smartphone đã giảm gần 12% trong năm qua, đẩy các nhà sản xuất đại lục tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi.

Vivo và Oppo phát triển mảng kinh doanh tại thị trường 100 triệu USD Đông Nam Á thông qua khai thác sức mạnh của những ngôi sao. Tháng 5 năm ngoái, Vivo đạt được thỏa thuận trở thành nhà tài trợ smartphone chính thức cho World Cup 2018 và 2022. Thông qua sự phổ biến của bóng đá tại khu vực này, thỏa thuận với FIFA sẽ giúp Vivo ngày càng củng cố thương hiệu.

Tại các lối vào xung quanh khu thương mại trung tâm tại Bangkok cũng như gà tàu điện ngầm, quảng cáo của Oppo gần như chiếm độc quyền.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc cũng tỏ ra rất hào phóng khi có nhiều ưu đãi bán hàng, bao gồm việc trả vài USD trên mỗi sản phẩm được bán ra cho những nhân viên bán hàng.

Những yếu tố trên đã giúp những doanh nghiệp điện thoại đến từ Trung Quốc mở thêm được nhiều cửa hàng và gia tăng thị phần. Số lượng cửa hàng bán lẻ của Oppo tại Thái Lan đã gia tăng mạnh mẽ từ mức dưới 2.000 năm 2015 lên hơn 10.000 vào tháng 9 năm ngoái.

Khi thị trường smartphone ngày càng trở nên co lại, các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn trong việc giành thị phần. Năm 2017, Apple bán được 4,5 triệu chiếc điện thoại tại Đông Nam Á, giảm nhẹ so với năm trước đó. Tại những thị trường mới nổi của khu vực này, mức giá cho mỗi sản phẩm dao động từ 100 USD tới 150 USD và ngay cả những chiếc iPhone cũ cũng khó nằm trong tầm với của hầu hết người tiêu dùng tại đây.

Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc lại đang phát huy thế mạnh về giá. Tại Bangkok, mẫu mới Vivo V9 có giá khoảng 11.000 baht, thấp hơn mức 18.500 baht của chiếc iPhone 6 được phát hành vào năm 2015. Mặc dù vậy, V9 vẫn sở hữu màn hình 6.4 inch cùng tính năng nhận dạng khuôn mặt và máy ảnh kép.

Mặc dù vậy, chiến lược dựa vào khối lượng của các thương hiệu Trung Quốc có thể sẽ sớm chạm trần tại Đông Nam Á. Năm 2017, khu vực này đã tiêu thụ 100 chiếc điện thoại, tương đương với năm 2017 và phù hợp với xu hướng chung của toàn cầu. IDC dự đoán doanh số năm nay sẽ chỉ gia tăng nhẹ lên mức 105 triệu USD.

Ngoài ra, không thể nói chắc chắn về việc Oppo và Vivo có tạo ra lợi nhuận hay không. Nếu tăng trưởng thị trường chậm lại và rơi vào đình trệ, cả hai sẽ buộc phải chuyển qua một chiến lược hướng tới lợi nhuận.