Cần giải pháp cứu ngành mía đường đang "hấp hối"

Phương Linh - 10:43, 05/12/2020

TheLEADERGiải pháp cho ngành mía đường là vấn đề hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp và người nông dân đang áp lực lớn từ các hiệp định thương mại tự do và hệ lụy từ đại dịch Covid-19.

Cần giải pháp cứu ngành mía đường đang "hấp hối"
Ngành mía đường Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn.

Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành mía đường hiện nay, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng tiết lộ, nhiều vụ sản xuất công ty chỉ bán được 10%, còn lại tồn kho tới 90% sản lượng.

"Hoạt động kinh doanh bế tắc khiến công ty "chạy ăn từng bữa", chạy lương, chạy bảo hiểm cho nhân viên. Thực trạng hiện tại đang khiến doanh nghiệp và nông dân trồng mía vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp ngành mía đường gần như đang "hấp hối”, ông Hiếu nói.

Không chỉ riêng doanh nghiệp của mình, theo vị lãnh đạo này, toàn ngành ngành mía đường cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Do sản xuất không thể tiêu thụ nên vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 8.400ha, năm 2018 là 7.000ha, đến năm 2019 là 4.800ha. Năm nay, chỉ còn khoảng 2.400ha và dự kiến năm 2021 chỉ còn dưới 2.000ha.

Diện tích mía năm 2020 - 2021 giảm đến 72% so với 2017 - 2018 dẫn đến sản lượng thu mua của Công ty Mía đường Sóc Trăng cũng theo lũy kế giảm dần. Cụ thể, năm 2017, công ty thu mua được 476.000 tấn, năm 2018 thu mua được 257.000 tấn, năm 2019 thu mua được 249.000 tấn và năm 2020 thu mua giảm còn 170.000 tấn.

Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến sản lượng liên tục giảm, ngành mía đường ngày càng khó khăn là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Đường Thái Lan nhập tràn vào Việt Nam với giá thấp, cạnh tranh không lành mạnh với đường trong nước.

Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 01/01/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.

Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng mạnh.

Dưới tác động của một lượng lớn đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường nội địa đã giảm xuống mức rất thấp. Giá đường trong nước giảm sâu từ mốc trên 14.000 đồng/kg niên vụ 2017 - 2018 xuống còn 10.500 – 11.000 đồng/kg trong niên vụ 2018 - 2019.

Giá đường thấp dẫn đến giá mía cũng rất thấp. Nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Cả nhà máy và nông dân đều thua lỗ rất nặng nề, diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp.

Nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019 - 2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020 - 2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề do gian lận thương mại đường nhập lậu. 

Cũng theo hiệp hội này, trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.

Chính phủ các nước này vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu giá rẻ trên thị trường quốc tế được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cái khó của ngành đường Việt Nam hiện nay là phải cạnh tranh đối với đối thủ lớn là Thái Lan. Ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào. 

Về hỗ trợ nông dân trồng mía, Thái Lan cũng sớm thành lập quỹ mía đường với khoản đóng góp căn cứ trên chính sản lượng bán ra ở doanh nghiệp phân phối lẫn các nhà sản xuất đường. Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ như giá bán điện sinh khối từ bã mía là 13 cent/kWh (trong khi tại Việt Nam là 5,8 cent/kWh), giá xăng E5 - loại xăng có pha cồn với nguồn gốc từ rỉ mật của nhà máy mía đường ở Thái Lan, thấp hơn xăng A92 1.500 đồng, còn tại Việt Nam chỉ chênh lệch khoảng 800 đồng.

Theo ông Doanh, diện tích mía đường của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng lại gấp 8 lần. Giá mía nguyên liệu của Thái Lan cũng rẻ hơn 30 - 40% so với giá mía của Việt Nam. Và các doanh nghiệp đường Thái Lan tuy phá giá đường xuất khẩu nhưng vẫn đạt lợi nhuận nhờ kinh doanh đường ở thị trường nội địa.

Với những lợi thế trên, đường Thái Lan khi "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn, khiến doanh nghiệp mía đường trong nước rất khó cạnh tranh. 

Giải pháp nào cho ngành mía đường Việt Nam?

Tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới", ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, giải pháp cho ngành mía đường là vấn đề hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp và người nông dân trồng mía chịu áp lực lớn từ các hiệp định thương mại tự do và hệ lụy từ đại dịch Covid-19. 

Theo ông Nam, có hai giải pháp chính cho ngành mía đường hiện nay. Thứ nhất là nhóm giải pháp mang tính nội tại, tức nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất và đổi mới sáng tạo trong công nghệ sản xuất.

Giải pháp này phụ thuộc chủ yếu vào tiềm lực doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chấp nhận hiệp định ATIGA là cơ hội hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần làm mới mình, nâng cao năng suất chất lượng để cạnh tranh một cách bình đẳng, tồn tại trong tình hình mới.

Thứ hai là các giải pháp về chính sách, sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành và Chính phủ. Hiện Chính phủ và các ban ngành liên quan đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành mía đường như Nghị định 89, Quyết định 68, Quyết định 1.369, Quyết định 4.612 và gần nhất là Chỉ thị 28 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.

Tuy nhiên, cho đến nay, các động thái để cứu ngành mía đường vẫn được đánh giá là đi sau và thiếu tính cụ thể để triển khai trên thực tiễn. Các bộ ngành, cơ quan quản lý cần nhiều giải pháp hơn nữa để hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp để phát triển ngành mía đường Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện Hiệp hội đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO). Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Do đó, để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, ông Lộc cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, người dân trồng mía và tăng thu ngân sách.

Dưới góc nhìn khác, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu. 

Theo đó, cả khâu đầu tư trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.

Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó tồn tại.

"Hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, hay những chính sách mở cửa đối với hàng nhập khẩu lại là rào cản đối với hàng nội địa. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên", vị chuyên gia này nhấn mạnh.