Cảnh báo thiếu điện vì nhiều dự án chậm tiến độ

Phương Linh - 11:21, 06/06/2019

TheLEADERHầu như không còn điện dự phòng năm 2018 – 2019 và giai đoạn 2021 – 2025 có khả năng thiết hụt nguồn cấp điện.

Cảnh báo thiếu điện vì nhiều dự án chậm tiến độ
Nhiều dự án tại khu vực miền Nam chậm tiến độ dẫn tới nguy cơ thiếu điện.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nhà máy điện mục tiêu đạt khoảng 60.000 MW đến năm 2020, 96.500 MW đến năm 2025 và 129.500 MW đến năm 2030.

Mục tiêu 21.651 MW được đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020, 38.010 MW cho giai đoạn 2021 – 2025 và con số này của giai đoạn 2026 - 2030 là 36.192 MW.

Mặc dù vậy, theo Báo cáo Tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Bộ Công Thương, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2030 dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn khoảng 15.200 MW so với quy hoạch.

Sự thiếu hụt diễn ra chủ yếu trong các năm từ 2018 - 2022.

Nguyên nhân là nhiều dự án giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026 - 2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Điều này dẫn đến tình trạng hầu như không còn điện dự phòng năm 2018 – 2019 và giai đoạn 2021 – 2025 có khả năng thiết hụt nguồn cấp điện.

Dự kiến tổng công suất nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn 2021 – 2030 thấp hơn 10.000 MW so với Quy hoạch VII điều chỉnh.

Việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với tính toán trước đây là do tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều bị chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm, các dự án nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030.

Bên cạnh đó, dự án Ô Môn III cũng lùi tiến độ đến năm 2025.

Trường hợp dự án điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024 - 2025 sẽ trầm trọng hơn, Báo cáo nhận định. 

Không chỉ vậy, các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Sông Hậu 1 đến nay cũng chậm tiến độ 2 năm và các vướng mắc không được giải quyết dứt điểm có khả năng đẩy những dự án này tiếp tục chậm.

Một số dự án nguồn điện lớn chưa xác định được chủ đầu tư như Long Phú 3, Quỳnh Lập 2 dẫn tới khó khả thi hoàn thành trước năm 2030.

Khu vực miền Nam còn có khả năng thiếu điện nếu đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Ánh – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku2) không thể hoàn thành đầu năm tới.

Về các dự án năng lượng tái tạo, Chính phủ, Bộ Công Thương đến nay đã phê duyệt 130 dự án điện mặt trời với công suất khoảng 8.500 MW và các dự án điện gió công suất khoảng 2.000 MW.

Tuy nhiên các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở nơi có phụ tải thấp, hạ tầng lưới điện 110 - 500kV tại các khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải.

Cùng với các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, các dự án đường dây 220 - 500 KV cũng đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và các quy định khác.