Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank

Lam Giang - 07:28, 05/06/2024

TheLEADERHội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là áp lực cạnh tranh. Phát triển bền vững (ESG) chính là cách nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường, giúp doanh nghiệp xây dựng giá trị bền vững lâu dài, đồng thời, tạo ra những tác động tích cực cho môi trường và xã hội. Ngành ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế, cũng không ngoại lệ.

Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank
SeABank hướng đến trở thành một ngân hàng tiên phong, tích cực trong hoạt động quản lý. Ảnh: SeABank

Những năm gần đây ESG đã trở thành xu hướng nổi bật trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư và các bên liên quan nhận thức rõ hơn về tác động của các khoản đầu tư của họ đối với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. 

Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngân hàng được xem là cầu nối và mắt xích quan trọng trong việc triển khai áp dụng ESG, qua đó mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính bản thân ngân hàng.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ ngân hàng mới thực thi ESG mà nhiều ngân hàng, trong đó có SeABank từ nhiều năm nay đã hướng tới phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội, cộng đồng, tối ưu hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, ưu tiên những sản phẩm, dịch vụ xanh, đẩy mạnh tài trợ dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Bộ tiêu chí ESG ra đời giúp SeABank lượng hóa rõ hơn từng mục tiêu cũng như hoạch định chiến lược phát triển bền vững, từ đó nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Và hiệu quả của định hướng này là việc rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế như DFC, IFC tin tưởng đầu tư rót vốn lên tới gần 600 triệu USD cho SeABank và được Moody’s xếp hạng tín nhiệm Ba3 ở nhiều danh mục quan trọng với đánh giá triển vọng phát triển Ổn định.

Nâng cao quản trị doanh nghiệp

Có thể thấy, quản trị không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà còn là yếu tố quyết định sự thành công và bền vững của hệ thống ngân hàng. Nhận thức được điều này, SeABank không ngừng nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa mô hình hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro và đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

SeABank là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai mô hình quản trị theo 03 tuyến phòng thủ được phát huy tối đa bằng các hoạt động tự kiểm tra, giám sát và các hoạt động kiểm tra chéo giữa các tuyến dưới nhiều hình thức để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank
Việc triển khai và áp dụng Basel II, III góp phần tạo dựng một nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, đảm bảo quá trình phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả cho SeABank. Ảnh: SeABank

Với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn và thanh khoản bền vững, SeABank đi đầu trong việc triển khai tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel III và hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II sớm nhất. Việc triển khai và áp dụng Basel II, III góp phần tạo dựng một nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, đảm bảo quá trình phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả cho SeABank. 

Điều này cũng thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo ngân hàng trong việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó giúp ngân hàng điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch.

SeABank cũng áp dụng sớm chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) bên cạnh chuẩn mực kế toán Việt Nam khi lập và trình bày báo cáo tài chính. Qua đó, ngân hàng tăng cường quản trị và kiểm soát rủi ro thông qua nâng cao khả năng đo lường và quản lý kết quả kinh doanh, tạo dựng cơ sở phân bổ hợp lý nguồn lực để tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, SeABank luôn được Moody’s nâng hoặc giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm. Ở kỳ xếp hạng gần đây nhất, Moody’s tiếp tục xếp hạng tín nhiệm SeABank ở mức Ba3 ở nhiều danh mục quan trọng đồng thời xếp hạng triển vọng phát triển Ổn định, qua đó phản ánh kỳ vọng của tổ chức này về mức độ an toàn vốn cao và đang cải thiện của SeABank.

Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank 1
Cán bộ nhân viên đầy tự hào trong màu áo đồng phục SeABank. Ảnh: SeABank

Song song với việc áp dụng các mô hình cũng như phương thức quản trị rủi ro tiên tiến, tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế, SeABank đặc biệt chú trọng đến mô hình tổ chức, đội ngũ quản lý và đầu tư bài bản liên quan đến yếu tố con người. Bộ máy tổ chức của SeABank liên tục được kiện toàn nhằm tăng cường năng lực quản trị điều hành. 

Ban điều hành hiện tại của SeABank với sự tham gia của các thành viên giàu kinh nghiệm, có thâm niên cống hiến làm việc lâu năm và nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Ngân hàng, và điều này sẽ giúp Ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.

Xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính để đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ở SeABank, yếu tố con người luôn được đặt lên vị trí trung tâm với mục tiêu xây dựng môi trường làm việc gắn kết, chuyên nghiệp, nhân văn. 

Mỗi cán bộ nhân viên khi gia nhập SeABank đều được đào tạo, trang bị những kiến thức cơ bản nhất, được đào tạo các kỹ năng mềm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý… từ đội ngũ giảng viên nội bộ cũng như các đối tác đào tạo hàng đầu Việt Nam như Crestcom Việt Nam, iChange Center… 

Chính sách đãi ngộ của SeABank được thay đổi theo hướng cạnh tranh, xứng đáng với đóng góp và cống hiến của mỗi cá nhân cho sự phát triển của ngân hàng như: tăng lương hằng năm đảm bảo mức cạnh tranh trên thị trường, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện SeACare, vay ưu đãi đối với nhân viên - SeAStaff Privilege, khám sức khỏe định kỳ, phát hành cổ phiếu lựa chọn cho cán bộ nhân viên - SEAESOP và hàng loạt các chương trình tri ân cán bộ nhân viên và gia đình, phát triển văn hóa tổ chức…

Ưu tiên ngân hàng xanh

Lấy khách hàng làm trung tâm, SeABank hướng tới “may đo” sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng, đặc biệt là hướng đến “xanh hóa” ngân hàng. Để thúc đẩy mô hình tài chính xanh, SeABank tập trung vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh. 

Đó là việc triển khai ngân hàng điện tử thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử SeAMobile/SeAMobile Biz/SeANet không chỉ mang lại sự tiện lợi cho khách hàng mà còn giúp giảm lượng giấy và mực in, từ đó giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí và thể hiện cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm với môi trường - xã hội.

Tập trung cho chiến lược phát triển bền vững, SeABank ưu tiên nguồn lực tiếp cận hợp tác với các dự án xanh, thân thiện với môi trường, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng hiệu quả, giảm thiểu thất thoát năng lượng.

Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank 2
Đại diện lãnh đạo DFC và SeABank ký kết biên bản ghi nhớ giải ngân đầu tiên trị giá 200 triệu USD​​​ ngày 31/01/2023 tại Washington.

Khi áp dụng ESG, SeABank có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế. 

Tính đến nay, SeABank đã được nhiều tập đoàn/tổ chức tài chính quốc tế như IFC, DFC và nhiều quỹ đầu tư quốc tế tài trợ vốn lên tới gần 600 triệu USD. 

Với nguồn vốn này cộng với năng lực nội sinh, SeABank đã cung cấp nhiều giải pháp tài chính linh hoạt, tối ưu việc sử dụng nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. 

Bên cạnh đó, SeABank cũng tập trung giải ngân cho các dự án tín dụng xanh, chống biến đổi khí hậu, cho vay khách hàng cá nhân mua nhà tại các dự án có chứng chỉ công trình xanh, qua đó mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội và môi trường.

Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank 3
Đại diện lãnh đạo IFC và SeABank ký kết hợp tác tại Singapore.

Để quản lý các tác động đến môi trường và xã hội từ hoạt động cho vay của mình, SeABank đã tích hợp các thủ tục môi trường và xã hội vào quy trình quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng. 

Theo đó, SeABank ban hành danh sách các lĩnh vực loại trừ không cấp tín dụng - các lĩnh vực có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và sàng lọc toàn bộ các giao dịch cấp tín dụng theo danh sách này. 

Các giao dịch không thuộc danh sách loại trừ tiếp tục được SeABank đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và đề xuất những biện pháp giảm thiểu cụ thể nếu có tồn tại rủi ro. 

SeABank hướng đến trở thành một ngân hàng tiên phong, tích cực trong hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội để lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường, cộng đồng đến toàn bộ các khách hàng, đối tác.

Hướng tới giá trị tốt đẹp

Song hành cùng các hoạt động kinh doanh, SeABank đã kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển nhằm đem lại những giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Lấy tôn chỉ vì cộng đồng - một trong 5 giá trị cốt lõi của ngân hàng, từ nhiều năm qua, các hoạt động thiện nguyện được tổ chức thường niên như: Xuân yêu thương, SeABanker vì trẻ thơ, ngày của yêu thương - Day of Love 7/9, tuần lễ công dân, chăn ấm đầu đông... 

Hàng triệu suất quà tặng trị giá hàng tỷ đồng trao đi mỗi năm là nguồn động viên kịp thời, tiếp thêm sức mạnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Dịch Covid-19 bùng phát, SeABank đã ủng hộ gần 90 tỷ đồng để hỗ trợ chính quyền nhiều địa phương và người dân trên khắp cả nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp và người dân, SeABank đã hưởng ứng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay khách hàng. 

Năm 2021, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 287 tỷ đồng, đạt 552% so với cam kết trước đó, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 79.237 tỷ đồng cho 58.522 khách hàng.

Câu chuyện phát triển bền vững tại SeABank 4
Lãnh đạo SeABank trao tặng nhà cho người nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh.

Bảo tồn môi trường xanh cũng là ưu tiên hàng đầu của SeABank trong hành trình phát triển bền vững. Chung tay cùng Chính phủ “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, SeABank đã trao tặng gần 300.000 cây xanh cho các địa phương (Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Long An) nhằm ủng hộ trồng rừng và phát triển kinh tế, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Không chỉ trồng rừng, SeABank còn gieo “mầm xanh” hy vọng, nối dài ước mơ theo đuổi con chữ cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Quỹ học bổng Ươm mầm ước mơ của SeABank ra đời từ năm 2015 với hy vọng thắp sáng thế hệ tương lai đã đồng hành cùng hơn 200 em học sinh nghèo hiếu học với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/năm cho đến hết cấp THPT. Tổng giá trị học bổng (gồm học bổng phổ thông trọn đời và học bổng khởi nghiệp) SeABank đã trao là hơn 10,57 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, SeABank còn đồng hành với nhiều địa phương xây nhà tình nghĩa góp phần hiện thực hóa giấc mơ về một căn nhà chắc chắn để che nắng che mưa cho hàng nghìn hộ dân nghèo, cận nghèo. Đến nay, đã có 700 căn nhà được trao tặng cho người nghèo tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Điện Biên…

Năm 2024 đánh dấu hành trình SeABank 30 năm phát triển cùng đất nước. SeABank sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến nhiều giải pháp tài chính linh hoạt giúp khách hàng tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đồng thời đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Những thành quả này sẽ là tiền đề để SeABank ngày một lớn mạnh, phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.