CEO Nguyễn Ngọc Mỹ: ‘Tôi trân quý sự nhân văn của người phụ nữ Việt’

Đặng Hoa - 10:11, 08/03/2020

TheLEADERViệc kết hợp nhịp nhàng giữa những giá trị, phẩm chất truyền thống cao quý mà các thế hệ nữ doanh nhân đi trước đã truyền lại cùng sự táo bạo và đột phá của những người sinh ra trong thời đại mới là điều mà vị nữ lãnh đạo trẻ của Tập đoàn Alphanam luôn hướng đến.

CEO Nguyễn Ngọc Mỹ: ‘Tôi trân quý sự nhân văn của người phụ nữ Việt’
Chị Nguyễn Ngọc Mỹ, thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam, CEO Công ty Địa ốc Foodinco

Là một người trẻ, chị nhìn nhận như thế nào về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hành trình đưa đất nước tiến đến phồn thịnh?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Hành trình Việt Nam hướng đến phồn thịnh có thể nói là một chủ đề rất lớn, nếu nói phụ nữ có đóng góp cho hành trình đó hay không thì câu trả lời chắc chắn là có. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ nhỏ hơn mà tất cả chúng ta đều cảm nhận được là vai trò của người mẹ, người bà trong gia đình, là những cá nhân bé nhỏ trong một xã hội rộng lớn nhưng họ đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, định hình văn hoá, nhân cách của con, cháu. Khi nhân rộng ra có thể thấy, xã hội được thừa hưởng rất lớn từ vai trò này của người phụ nữ.

Với chị, đâu là phẩm chất, giá trị của những người phụ nữ thế hệ trước mà chị cảm thấy trân quý nhất?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi trân quý sự nhân văn của người phụ nữ Việt trong các thế hệ trước thay vì những đức tính mà xã hội thường dùng để nói về họ như đức hy sinh, sự cam chịu. Từ hình ảnh của bà, của mẹ và những nữ doanh nhân từng tiếp xúc, tôi cảm nhận rất rõ được rằng đó là những con người có sự bao quát, nhân từ. Họ không chỉ quan tâm đến gia đình nhỏ của họ mà còn rất quan tâm đến nhân viên, những con người khác trong xã hội là những người không cùng máu mủ, huyết thống. Ngoài việc kinh doanh và chăm sóc gia đình, họ còn sắp xếp thời gian để đi làm từ thiện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn…

Vậy đức tính này đã được thế hệ trẻ kế tục và phát huy như thế nào?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Khác với thế hệ trước, thế hệ trẻ lớn lên trong môi trường mạng xã hội với lượng thông tin dày đặc. Cũng vì vậy mà chúng tôi có nhiều cơ hội được đồng cảm hơn vì “muốn yêu, phải hiểu”. Khi hàng ngày va chạm và chứng kiến những hoàn cảnh, thực tế có phần bất công, thế hệ trẻ dường như có khả năng thốt lên tiếng nói rõ hơn nên họ cũng tham gia nhiều hơn.

Theo chị, đâu là những phẩm chất, giá trị mà các nữ doanh nhân của hai thế hệ tìm được điểm chung?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Sự kết hợp lớn nhất mà tôi thấy được đó là sự lắng nghe. Dù là thế hệ nào đi chăng nữa thì ở trong một phòng họp, tôi luôn cảm nhận được điều đó. Họ bình tĩnh để cho người khác nói hết, dùng nhu thắng cương, rồi sau đó họ mới chia sẻ quan điểm. 

Nói về phụ nữ làm kinh doanh, nhiều người vẫn luôn nhìn nhận rằng họ đang vác trên vai rất nhiều trách nhiệm nặng nề, từ vai trò của một nữ doanh nhân đến vai trò của người mẹ, người vợ. Chị nghĩ gì về hai chữ trách nhiệm này?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Dù là nam hay nữ thì đều có trách nhiệm và muốn cảm thấy mình sống có trách nhiệm. Phụ nữ luôn khát khao trở thành người vợ tốt khi lấy chồng, trở thành người mẹ tốt khi sinh con hay hoàn thành xuất sắc công việc dù đảm nhiệm bất cứ vị trí nào trong công ty.

Dù là nam hay nữ thì đều có trách nhiệm và muốn cảm thấy mình sống có trách nhiệm.
Chị Nguyễn Ngọc Mỹ
Thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam, Tổng giám đốc Foodinco

Nhưng cái được gọi là trách nhiệm của phụ nữ mà mọi người đang nhắc đến hiện nay, nếu gọi tên đúng hơn, thì chính là sự mong đợi về hình ảnh của họ. Sự mong đợi về một hình mẫu được định hình theo những quy chuẩn mà xã hội đặt ra dường như mới là cái tạo nên sự cản trở và áp lực lớn cho người phụ nữ.

Theo chị, sự bó buộc đó ở thời điểm này có giãn hơn so với trước đây hay không?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi nghĩ không hề giảm đi. Trong xã hội hiện nay, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của rất nhiều người phụ nữ thành công ở mọi mặt trận. Chính phụ nữ cũng đang mơ cho mình những giấc mơ lớn hơn, vì thế có nhiều khó khăn hơn.

Xã hội xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương, có những người phụ nữ rất đẹp, có người rất giỏi về nghệ thuật, có người giỏi về cắm hoa, nấu ăn… Điều này khiến chúng ta, mỗi ngày, đều được thưởng thức một bữa tiệc buffet trên mạng xã hội và vô hình trung hình thành nên suy nghĩ “một người phụ nữ giỏi thì phải giỏi rất nhiều thứ”. Đó là cái khó của thế hệ phụ nữ bây giờ.

Chị có bao giờ cảm thấy áp lực như vậy?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Ai rồi cũng sẽ đôi lúc cảm thấy hơi ghen tị một chút và tôi cũng không phải ngoại lệ. Tất nhiên, tôi chỉ cảm thấy ghen tị trong một thời gian ngắn. Tôi từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân cách nhìn nhận về hai chữ thất vọng. Cảm thấy thất vọng không phải là một cảm xúc xấu. Vì khi cảm thấy thất vọng về một điều gì đó, có nghĩa là sự quan tâm đến điều đó đủ để chúng ta thay đổi nó. Còn nếu không quá quan tâm thì tức là điều đó không đủ quan trọng.

Ví dụ, nếu bạn cảm thấy buồn vì người khác nấu ăn ngon hơn mình thì biết đâu đó là động lực để bạn tập nấu ăn ngon hơn. Tương tự, nếu bạn nhìn thấy một người phụ nữ đẹp khiến bạn cảm thấy ganh tị đến mức muốn thay đổi thì tại sao không đi tập gym, làm đẹp, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Còn nếu thực sự không quan tâm thì cũng không sao cả.

Dịch Covid-19 dường như đang tạo nên một cuộc khủng hoảng chung. Trong cuộc khủng hoảng đó, trách nhiệm của người phụ nữ dường như trở nên nặng nề hơn bao giờ hết khi vừa phải giải quyết bài toán tồn tại cho doanh nghiệp, vừa phải lo cho gia đình. Từ góc nhìn của một nữ doanh nhân trẻ, chị nhìn nhận như thế nào về cuộc khủng hoảng này?

CEO Nguyễn Ngọc Mỹ: ‘Tôi trân quý sự nhân văn của người phụ nữ Việt’ 1
Chị Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, sự bình tĩnh của người phụ nữ phát huy vai trò rất quan trọng khi khủng hoảng xảy ra

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Cuộc khủng hoảng này rõ ràng là một thử thách lớn đối với tất cả mọi người, dù là nữ hay nam doanh nhân. Ở thời điểm này, cá tính, sự bền bỉ, khả năng lắng nghe và bình tĩnh của người phụ nữ lại càng quan trọng trong bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố để có thể nóng và nhiều yếu tố để có thể lo.

Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, hàng ngày tôi phải họp rất nhiều và xử lý rất nhiều khó khăn. “Nóng” sẽ khiến những người ngồi trong phòng họp lo hơn nên việc giữ bình tĩnh rất quan trọng. 

Nhiều lúc tôi phải tự nhắc nhở, nếu chính mình mà rối thì cả hệ thống cũng sẽ rối theo. Nên điểm mạnh của người phụ nữ thời điểm này cũng được phát huy tương đối.

Theo chị, khi xảy ra khủng hoảng, các doanh nghiệp nên tập trung giải quyết vấn đề của mình thôi hay nên chung tay cùng các doanh nghiệp khác vượt qua khó khăn?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Tuỳ đặc thù công việc và ngành nghề. Nhưng nhìn chung, không có doanh nghiệp trong ngành nghề nào chạy song song, so le mà không có sự liên kết với doanh nghiệp khác. Sự thấu hiểu giữa các doanh nghiệp với nhau và sự thấu hiểu của cả cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng.

Như bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam hiện là lãnh đạo một số tổ chức như Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam với những vai trò rất quan trọng. Hay như Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP. HCM, từ lâu cũng đã tham gia phát triển Hội Doanh nhân Sao Đỏ đang cùng nhau phát triển cũng như hỗ trợ và truyền lửa cho các thế hệ kế cận nhằm mục tiêu tạo nên những doanh nghiệp quốc gia.

Đó đều là những tổ chức chia sẻ, hỗ trợ và thậm chí là giải cứu lẫn nhau rất kịp thời. Nhìn những tấm gương đó, tôi luôn mong thế hệ doanh nhân trẻ có thể đoàn kết để bớt cô đơn khi khủng hoảng xảy ra.

Vậy với riêng chị, đâu là cách chị cân bằng giữa việc quản trị doanh nghiệp và quản trị cuộc sống, các mối quan hệ xung quanh?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi là người thích lên lịch nên tôi lên lịch cho tất cả mọi thứ, mỗi ngày sẽ làm gì vào lúc mấy giờ, kể cả việc cá nhân. Chẳng hạn, là người thích viết nên tôi luôn dành một tiếng đồng hồ vào buổi tối để viết, mỗi tuần tôi đều lên lịch trình để viết về hai chủ đề. Những công việc khác như học tập, thể thao hay thậm chí là xem phim để tạo cảm hứng cũng đều được lên lịch hết. Có những việc đến bất ngờ thì tôi vẫn có thể linh động điều chỉnh.

Tôi nhận ra rằng trong cuộc sống, ai cũng có thời gian như nhau nhưng chỉ có điều mình cảm nhận việc nào quan trọng hơn để dành nhiều thời gian và tập trung nhiều hơn, như vậy thời gian mới được tận dụng hiệu quả và việc cân bằng cuộc sống - công việc cũng dễ dàng hơn.

Có một câu nói cho rằng, giấc mơ có thể chỉ là một giấc mơ, hoặc là một mục tiêu đi cùng với kế hoạch. Khi mình có một mục tiêu, về cá nhân hay công việc, đều cần thời gian để đạt được nó. Không có sự thành công nào đến chỉ sau một ngày, không có kỹ năng nào đạt được chỉ trong một giờ. Chính vì vậy, tôi dành thời gian cho cả việc đào tạo kỹ năng ngoài giờ làm việc. Cuộc sống luôn đầy bất ngờ và nhiều lúc chúng ta có những sự thay đổi. Cũng không sao cả, lúc đó tôi thiết lập lại mục tiêu ngắn hạn và lại lên kế hoạch cho nó.

Là một người rất tâm huyết với sự phát triển của giới trẻ, chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ nói chung và các bạn trẻ là nữ giới nói riêng?

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ: Khi tiếp xúc với các bạn trẻ, các bạn sinh viên, tôi luôn khuyên các bạn lắng nghe thế hệ đi trước và học cách tìm ra điều quan trọng đối với bản thân để có thể thuyết phục những người xung quanh lắng nghe. Kỹ năng nói để người khác nghe là kỹ năng hai chiều. Chính bạn phải hiểu được đối tượng mình nói chuyện thì mới khiến họ nghe và hiểu được. Trong cuộc sống không có gì quá mới, có nhiều thứ lặp lại nên kinh nghiệm của người đi trước rất quan trọng.

Xin cảm ơn chị!