Chạm đúng ‘điểm G’ để kích thích năng lượng nguồn nhân lực

Quỳnh Chi - 14:39, 15/09/2022

TheLEADER“Nhân viên không muốn làm việc cho doanh nghiệp, họ muốn doanh nghiệp làm việc cùng với họ”, bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập Talentnet nhấn mạnh tại Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2022.

Chạm đúng ‘điểm G’ để kích thích năng lượng nguồn nhân lực
Gắn kết và khai phá năng lực của nhân sự là điều mà các nhà lãnh đạo đang rất quan tâm. Ảnh TL

Đại dịch, chiến tranh, lạm phát đã và đang diễn ra khiến mọi thứ đảo lộn, từ bối cảnh kinh tế đến thị trường nhân tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Các mô hình làm việc và phương thức kinh doanh linh hoạt, bền vững hơn là chìa khóa giúp các công ty giải quyết thực trạng hiện tại và những thách thức của tương lai.

Bên cạnh những thay đổi trọng yếu về mặt tổ chức, chiến lược ở cấp độ vĩ mô, các nhà lãnh đạo cũng cần chú trọng đến những thay đổi “gốc rễ” như tư duy và cách làm việc, góc nhìn của nguồn nhân lực. Bởi lẽ, không có nhân tài - không có người lao động bền chặt thì mọi hoạch định đều trở nên vô nghĩa.

Việc nắm bắt, thấu hiểu được những thay đổi & tâm tư của người lao động sẽ giúp các nhà lãnh đạo như “hổ mọc thêm cánh”, tự tin hơn với nguồn lực hiện tại, hướng đến sự phát triển mạnh mẽ.

Theo báo cáo “Xu hướng nhân tài” năm 2022 đến từ Mercer, có đến 81% nhà lãnh đạo đồng tình chiến lược kinh doanh và chiến lược con người trở nên vô cùng gắn kết ở hiện tại. Song song đó, 78% nhân viên cho rằng công ty nên trao quyền để mọi người tự làm việc với sự giám sát tối thiểu.

Theo một khảo sát khác, 60% người lao động sẽ chỉ gia nhập hay ở lại với 1 công ty nếu họ được làm việc từ xa hay có chế độ làm việc linh hoạt.

Điều đó cho thấy, trên thị trường lao động đang diễn ra một cuộc cách mạng chưa từng có. Để chiến lược kinh doanh & chiến lược con người giao thoa cùng một điểm, nhà lãnh đạo cần linh hoạt bắt nhịp ngay.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập Talentnet, có những “điểm G” các tổng giám đốc và giám đốc nhân sự cần đặc biệt lưu ý: tái thiết kế để trở nên phù hợp; làm việc trong quan hệ đối tác; triển khai chương trình nâng cao sức khỏe tổng thể; phát triển năng lực làm việc cho nhân viên; khai thác năng lượng tập thể.

Bà Trinh nhận định: “Rất nhiều nhân viên làm việc không vì tiền mà vì công ty có những hoạt động cho cộng đồng và xã hội và giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống. Doanh nghiệp thực sự phải lắng nghe, thấu hiểu với nhân viên và sáng tạo chuỗi hoạt động về tâm - thân - trí - tài chính - sự kết nối để thực sự đồng hành với nhân viên và thu hút nhân tài”.

Phần lớn “nhân lực” sẽ luôn cân nhắc theo lý trí và quyết định dựa vào con tim. Sau khi giải mã được xu hướng của người lao động trong bối cảnh vượt xa định nghĩa VUCA, nhà lãnh đạo đã có thể “dấn thân” vào hành trình tái thiết nguồn lực bằng chiến lược, cơ cấu và văn hóa.

Chạm đúng ‘điểm G’ để gắn kết và khai phá sức cạnh tranh của nhân lực
Những người làm nghề nhân sự tham gia Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2022

Bà Marieke van Raaij, người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý giải pháp gắn kết nhân viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương IMETA, LATAM tại Mercer chia sẻ: “Điểm gắn kết nhân viên của thị trường Việt Nam vượt trội hơn hẳn nếu so với Đông Nam Á và toàn cầu. Điều này thể hiện rõ ở chỉ số tự hào về nơi làm việc, chiếm 90% trong khi Đông Nam Á là 84% và toàn cầu nói chung là 83%”.

Bà Marieke van Raaij, Quản lý Giải pháp gắn kết nhân viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, IMETA, LATAM tại Mercer nhận định: “Covid 19 đã mang đến làn gió mới về doanh nghiệp thiết kế môi trường làm việc linh hoạt, phát triển những kỹ năng mới đáp ứng công việc, chuyển hướng tư duy và tái thiết cấu trúc doanh nghiệp”.

Đây quả thực là một tín hiệu tốt. Theo đó, hành trình tái thiết nguồn lực nên song hành với bài toán gắn kết đội ngũ. Bà Marieke cho rằng; việc trải nghiệm và gắn kết nhân viên trong bối cảnh này cần được đặt lên hàng đầu. Hãy đầu tư vào việc lắng nghe và giao tiếp với nhân viên nhiều hơn.

Các nhà lãnh đạo, nhất là những người làm nhân sự cần lắng nghe nhiều hơn, duy trì sự gắn kết giữa tổ chức và con người để khai phá sức cạnh tranh của nguồn lực nội tại.

“Những tổ chức kết nối có hai lỗ tai, một cái miệng và rất nhiều bàn tay”, CEO Talentnet nhấn mạnh.