Leader talk
Nghịch lý nguồn nhân lực Việt Nam
Gọi là nghịch lý vì quá nhiều bất cập! Gần như doanh nghiệp nào, hội thảo, hội nghị nào cũng vang rền điệp khúc “Nhân lực thiếu và yếu”, thậm chí còn thiếu và yếu trầm trọng. Số ít phản biện chứng minh ngược lại.
Bên nào cũng có lý của mình làm nhiều người ngoại đạo hoang mang, không biết đâu là hư thực. Chẳng lẽ cả hai đều đúng?
Nhân lực THIẾU hay THỪA
Số đông cho là thiếu! Thực tế các doanh nghiệp liên tục tuyển nhân sự vẫn không đủ. Các doanh nghiệp du lịch, khối nhà hàng khách sạn, đỏ mắt cũng không tìm đủ nhân sự, đặc biệt là cấp quản lý trung cao. Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu khách nước ngoài, hơn 8 triệu người Việt ra nước ngoài và 72 triệu khách nội địa. Trong khi đó cả nước chỉ có 24.733 hướng dẫn viên (HDV, số liệu tính đến tháng 4/2019), trong đó 15.780 là HDV quốc tế, 8.947 HDV nội địa, không chỉ thiếu mà còn thiếu rất trầm trọng.
Hội thảo, hội nghị nào từ tỉnh thành đến khu vực và quốc gia cũng đồng ca “Nhân lực thiếu và yếu”. Lướt qua báo chí, cũng tràn ngập thông tin tương tự, có báo còn chạy tít trang nhất hoặc xã luận, cứ như chuyện quốc gia đại sự.
Hai đứa con tôi cũng chia thành hai phe: Con gái bảo thiếu, con trai nói thừa, tranh luận nảy lửa, vẫn chưa thống nhất. Con gái bảo “Việt Nam gì cũng thiếu, dân mới kêu ca suốt ngày, đến osin mà tìm cả năm vẫn không có thì lấy đâu ra cho ngành nghề khác. Con trai chứng minh ngược lại: “Việt Nam nhiều thứ thừa - rác, khẩu hiệu, xe gắn máy và nhiều vấn nạn xã hội. Nhân lực cũng thừa, nhà nước năm nào cũng tinh giản biên chế, tốt nghiệp đại học thất nghiệp tràn lan, năm nào cũng xuất khẩu lao động gần trăm ngàn. Thiếu sao xuất được?”.
Theo Bộ Lao động thương binh và xã hội, chỉ riêng quý II/2018, có 125.000 cử nhân thất nghiệp chính thức, cả năm chắc chắn nhiều hơn, số không chính thức hoặc thất nghiệp một phần còn nhiều nữa.
Năm 2018, cả nước tinh giản được hơn 40.000 biên chế. Trong khi nhiều công ty khổ sở, vật vã tìm thêm người thì có những công ty cũng đang gian nan để tinh gọn bộ máy. Cũng theo Bộ Lao động thương binh và xã hội, hiện có hơn 500.000 người Việt Nam đang lao động chính thức ở các nước, nếu tính cả lao động chui chắn phải hơn 1 triệu. Trong đó, nhiều nhất là Nhật Bản với 126.000 người. Trong khi đó, chỉ có hơn 80.000 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, hơn 1/3 số đó là người Trung Quốc, ngạc nhiên là có cả lao động tạp vụ.
Nhìn vào số liệu và cả thực tế, nói thừa hay thiếu cũng được. Thiếu sao thất nghiệp hàng trăm ngàn? Thiếu sao xuất khẩu lao động hơn nửa triệu? Thiếu nên phải thuê lao động nước ngoài kể cả lao động chân tay? Thiếu người làm được việc và thừa người không làm được việc. Một đất nước gần trăm triệu dân mà kêu là thiếu lao động thì cũng khó hiểu!?
Đã THIẾU lại còn YẾU
Nhân lực yếu thì ai cũng thừa nhận nhưng đâu có nước nào bảo nhân lực mình mạnh. Lý thuyết và thực tế luôn có khoảng cách nhất định vấn đề là xa hay gần. Việt Nam thì dường như còn xa vời vợi mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh sính bằng cấp, xem thường thực tiễn. Thật ra, nói yếu là chưa chính xác, phải nói rõ là - không có kỹ năng (chứ không phải thiếu ) làm việc thực tế. Không có vì lẽ giản đơn, các em không được dạy, bởi nhiều thầy cô bằng cấp đầy mình nhưng cũng đâu có thực tế, cứ dạy theo những lý thuyết suông, có biết làm việc đâu mà yếu với mạnh?
Hình như ít ai dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật trần trụi này nên mới có chuyện tốt nghiệp đại học mà cứ thất nghiệp dài dài. Nhiều em phải chạy grapbike kiếm sống qua ngày, cũng may là còn grapbkie để không phải tiếp tục ăn bám. Cha mẹ xem con cái như đồ trang sức, kể cả việc học hành, nhiều khi học để làm đẹp mặt cha mẹ.
Số đông sinh viên thì chạy theo dư luận, học kiểu phong trào, cứ chọn ngành nào oai, dễ kiếm tiền chứ không phải theo sở trường và năng khiếu. Các trường thì chạy theo chỉ tiêu, cứ nhắm mắt đào tạo bừa để thu lợi nhuận, cả trường tư lẫn trường công. Chính xác hơn là trường đóng học phí nhiều và trường đóng học phí ít.
Các trường đại học là những doanh nghiệp đặc biệt sướng! Chỉ cần có “nguyên liệu” (tuyển sinh được) là tha hồ sản xuất, chất lượng được chăng hay chớ, không phải lo vốn sản xuất vì học phí đã đóng đầu tháng. Hàng hóa thành phẩm tự marketing và tìm nơi tiêu thụ, không lo tồn kho. Cũng không lo khách hàng kiện cáo vì hàng kém chất lượng hoặc phải thu hồi để sửa chữa. Các doanh nghiệp thì đứng ngoài cuộc, đáng lẽ cả hai phải chung tay, kết nối với sinh viên thành bộ ba - Tam giác đều bền vững - có tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau thì cứ chê bai nhau. Đi chung một đường, nhìn chung một hướng nhưng hai lề khác nhau, mạnh ai nấy đi.
Giáo dục đại học các nước theo mô hình tam giác cân: Đáy là trung cấp nghề, giữa là cao đẳng nghề, phần trên là đại học. Việt Nam thì lại ngược lại: Đại học nhiều hơn cả trung cấp và cao đẳng. Trung cấp và cao đẳng dạy nghề, tương đối cụ thể nên dễ tìm được việc làm hơn. Chưa kể vài trường hiện nay còn mạnh dạn cam kết “Đảm bảo việc làm phù hợp khi ra trường, nếu không thì đào tạo lại miễn phí”. Trường Cao đẳng Viễn Đông (TP. HCM) còn có hợp đồng “Đảm bảo việc làm” giữa nhà trường và sinh viên ngay khi nhập học.
Đại học hầu như dạy lý thuyết. Lạm dụng nhất là chuyên ngành “Quản trị du lịch” chung chung, trong khi đáng lẽ phải tách bạch “Quản trị lữ hành” và “Quản trị khách sạn – nhà hàng”. Trường nghề dạy cụ thể HDV, buồng, bar, bếp… thì đại học dạy thập cẩm thành quản trị, gì cũng dạy nhưng chẳng có thứ nào chuyên sâu. Các trường gộp chung vì dễ tuyển sinh, tách riêng thì không đủ sĩ số. Giờ học lữ hành thì cánh khách sạn nhà hàng chán nản, không muốn học và ngược lại. Học 4 năm đại học ngành quản trị du lịch, muốn được cấp thẻ và làm HDV thì đóng tiền học thêm nghiệp vụ 3 tháng. Trong khi chỉ cần 2 năm trung cấp ra trường là có thẻ HDV.
Nhiều người, cả thầy cô lẫn sinh viên cứ nghĩ quản trị là quản lý, là lãnh đạo mà quên mấy chân lý “Muốn làm tướng tài, hãy bắt đầu từ lính giỏi”. Tôi từng tham gia giảng dạy mấy lớp quản trị du lịch và Việt Nam học, nhìn lại mới giật mình vì có lớp theo nghề chưa tới 10%, một sự lãng phí ghê gớm nhưng chưa được đánh giá và nhìn nhận đúng mức. Bên khách sạn - nhà hàng có các chuyên ngành buồng, bar, bếp cụ thể; Bên lữ hành chỉ có mỗi hướng dẫn viên.
Trong các doanh nghiệp sản xuất thì bộ phận thiết kế mẫu mã rất quan trọng, chính bộ phận này tạo nên thương hiệu và sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Vậy mà chưa trường nào có lớp đào tạo chuyên ngành “Thiết kế Tour” nên sản phẩm du lịch cứ bắt chước nhau, na ná đến nghèo nàn. Chưa có thì nói gì đến thiếu hay yếu!
Vài đề xuất
Hội thảo quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực” tổ chức tại hội trường Thống Nhất vào ngày 12/4 vừa qua có Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TP. HCM tham dự. Trong báo cáo đề dẫn, hiệu trưởng một trường đại học đồng chủ trì hội thảo kiến nghị “Nhà nước giảm thuế cho các trường đại học và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo”. Toàn chuyện bất khả thi, thay vì kêu ca hãy hành động cụ thể, cứu mình trước khi trời cứu.
Nhiều việc có thể làm ngay, mọi nguồn cơn của thiếu và yếu nguồn nhân lực đều từ giáo dục. Cả chỉ tiêu lẫn chất lượng đào tạo phải bám sát nhu cầu thực tế cuộc sống; thay đổi cách học, để sinh viên tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn; cắt giảm tối đa phần học lý luận chính trị, tăng thời gian kiến tập và thực tập, ít nhất là 1/3.
Trước khi sinh viên thực tập, các thầy cô cần phải thực tập để nắm bắt thực tế. Quy hoạch lại hệ thống đào tạo theo mô hình tam giác cân. Tại sao chưa có trường nào đào tạo quản gia và người giúp việc trong khi nhu cầu rất lớn, lương hơn tốt nghiệp đại học và viên chức nhà nước nhưng vẫn khan hàng?
HDV quốc tế hay nội địa đào tạo chung, chỉ khác nhau ở trình độ ngoại ngữ, không phân biệt đối xử như hiện nay. Ước tính HDV quốc tế còn thiếu (chưa nói chất) khoảng 40% (15.780 HDV phục vụ gần 24 triệu khách), còn nội địa thiếu chừng 85% (8.947 HDV phục vụ 72 triệu khách), vậy mà ngành du lịch vẫn tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp lữ hành vẫn hoạt động bình thường, rất lạ.
Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ 2018 quy định HDV phải có thẻ khi làm nhiệm vụ vẫn chưa biết lúc nào được thực thi, chỉ tội mấy công ty tự mình gương mẫu thực hiện nghiêm túc. Thay vì tìm cách đào tạo, rút ngắn số lượng thiếu hụt HDV trầm trọng hiện nay, lại bày vẽ thi xếp loại HDV, rầm rộ truyền thông rồi rơi vào im lặng. Cuộc sống vốn có quy luật, thứ gì không cần thiết sẽ bị đào thải và tự đào thải.
Thiên hạ ồ ạt tìm cách đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là vì lương và thu nhập. Nếu năng suất lao động trong nước tốt hơn thì thu nhập sẽ hợp lý hơn. Chỉ cần cung bám sát cầu thì sẽ không sợ thất nghiệp, phải giải cứu tùm lum như nông sản. Rất khó hợp tác dài hạn khi thù lao cho các doanh nghiệp tham gia giảng dạy thực tế trên dưới 100.000 đồng mỗi tiết học (có nơi chỉ 70.000 đồng). Cũng có thể tăng học phí nhưng phải đảm bảo đầu ra, cho nợ học phí và trừ dần vào lương khi đi làm như nhiều nước đã thực hiện.
Chỉ cần thay đổi tư duy và bám sát thực tế cuộc sống thì mọi việc sẽ đơn giản. “Chúng ta không thể giải quyết những vấn nạn hiện nay bằng tư duy được hình thành cùng với những vấn nạn đó” (Abert Einstein).
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ & Phát triển Du lịch CBT)
Nhiều nhà lãnh đạo đang hoang mang trên ‘giao lộ’ nguồn nhân lực
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.