'Chính phủ cần dọn ổ cho đàn rồng Việt và đại bàng ngoại'

Thu Phương - 17:31, 05/03/2021

TheLEADERTS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tương lai phát triển của đất nước phụ thuộc vào sự thịnh vượng của các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ khi nào đội ngũ các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, Việt Nam mới có thể "hoá rồng".

'Chính phủ cần dọn ổ cho đàn rồng Việt và đại bàng ngoại'
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 10, khối kinh tế tư nhân của Việt Nam đã định hình những dấu ấn rõ nét với đóng góp vào cơ cấu GDP luôn ở mức trên 42% và thu hút khoảng 85 - 90% lực lượng lao động cả nước.

Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi.

Tuy nhiên, câu chuyện kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI có nguyên nhân gốc rễ là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa thực sự được tạo lập. 

Tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

“Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ”, bà Lan cho hay.

Nhìn nhận về sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, tại toạ đàm: “Làm tổ cho đại bàng nội”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Các dự án nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội ví như "bụt chùa nhà không thiêng" dù họ mang lại giá trị rất lớn về công ăn việc làm, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của các địa phương.

"Chỉ khi nào kinh tế tư nhân thịnh vượng, Việt Nam mới có thể "hoá rồng"
Toạ đàm: “Làm tổ cho đại bàng nội” tổ chức tại Hạ Long chiều 5/3

Theo ông Lộc, sự phát triển trong tương lai của đất nước phụ thuộc rất lớn vào sự thịnh vượng của các doanh nghiệp tư nhân. "Dân tộc ta từ khi ra đời đã mang thương hiệu là Con Rồng Cháu Tiên. Chỉ khi nào kinh tế tư nhân thịnh vượng, Việt Nam mới có thể "hoá rồng, hoá hổ". 

Doanh nghiệp tư nhân chính là "ngôi sao hy vọng" của đất nước. Họ giống như đàn "rồng Việt" mang bản sắc của Việt Nam. Ông Lộc bày tỏ mong muốn thay đổi cách gọi doanh nghiệp nội là "đàn rồng Việt" thay vì "đại bàng nội" như trước đây và nhấn mạnh: "Chính phủ cần dọn ổ, tạo điều kiện cho đàn rồng Việt và đại bàng ngoại tham gia điệu nhảy Tango chung, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đây không chỉ là vấn đề mang tính kinh tế mà còn là bản sắc, niềm tự hào của dân tộc".

Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp này phải ngày càng trở nên quan trọng hơn. Việt Nam đã có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 8 trăm nghìn doanh nghiệp mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. 

Do đó, định hướng chính sách phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn tới không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. 

"Song cần hỗ trợ doanh nghiệp lớn như thế nào để hiệu quả? Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu cầm tay chỉ việc hay tiền bạc mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", vị chuyên gia đề xuất.

Ông Lộc đưa ra dẫn chứng ở tỉnh Quảng Ninh như một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tư nhân với thủ tục hành chính nhanh, các công trình đối tác công tư lớn, khiến các nhà đầu tư hài lòng khi đến đây. Ông gọi Quảng Ninh là "cái nôi của nhiều ý tưởng, mô hình cải cách của địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp".

"Cũng cùng một hệ thống thể chế chung của Việt Nam nhưng tại sao ở Quảng Ninh, mọi thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư lại nhanh hơn, doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh hơn", ông Lộc đặt câu hỏi và nhấn mạnh, điều đó xuất phát từ tinh thần trách nghiệm, nhất quán, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Vị này dẫn chứng Quảng Ninh có mô hình xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi các nhà đầu tư tới giải quyết thay vì đến các sở, ban ngành. Tỉnh cũng là một trong địa phương đầu tiên có trung tâm hành chính công. Hệ thống chính trị đón tiếp, giải quyết một cửa người dân, doanh nghiệp, bám sát thanh tra, giám sát. Tương tác của Quảng Ninh và người dân qua mạng xã hội cũng rất cởi mở.

"Nhiều nhà đầu tư lớn từng làm việc với các tỉnh, vùng kinh tế tế lớn phía Nam vẫn so sánh Quảng Ninh là một trời một vực bởi thủ tục nhanh chóng. Các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup... đến đây đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Chính thái độ thân tình đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông Lộc dẫn chứng.