Chính phủ chính thức thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19

Nhật Hạ - 13:48, 27/05/2021

TheLEADERQuỹ vắc-xin phòng Covid-19 do Bộ Tài chính quản lý, thực hiện hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Chính phủ chính thức thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19
Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 do Bộ Tài chính quản lý.

Chính phủ hôm nay vừa ký và ban hành quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. 

Theo đó, quỹ này sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 do Bộ Tài chính quản lý, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, dùng vốn đúng mục đích, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, được Kiểm toán nhà nước; chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Bộ máy quản lý quỹ sẽ sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước chi trả.

Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn, nhưng phải đảm bảo an toàn.

Bộ Y tế chủ trì tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vắc-xin Covid-19, trình Thủ tướng quyết định để Bộ Tài chính xuất chi quỹ.

Trước đó, Bộ Y tế đã dự kiến mua 150 triệu liều vắc-xin cho khoảng 75 triệu người. Với số lượng này, Bộ Tài chính ước tính cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó phí vắc-xin là 21.000 tỷ đồng, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí 16.000 tỷ đồng để mua vắc-xin, đồng thời ngân sách địa phương cần chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. 

Gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may, Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham)... và nhiều doanh nghiệp khác đã có văn bản kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có nhiều lao động và họ sẵn sàng trả chi phí mua vắc-xin tiêm cho lao động trước diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 thứ tư, đặc biệt tại các khu công nghiệp phía Bắc. 

Tại cuộc họp khẩn với Bắc Ninh, Bắc Giang ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mỗi tỉnh sẽ nhận 150.000 liều vắc-xin để tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chính phủ sẽ huy động tổng lực hỗ trợ 2 địa phương này, bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ mua vắc-xin do Bộ Y tế tiếp nhận như Tập đoàn Vingroup tặng số tiền tương đương 4 triệu liều vắc-xin; 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hỗ trợ 100 tỷ đồng; Tập đoàn Sovico Group và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng...

Sau hơn 1 năm Bộ Y tế nỗ lực tìm kiếm, đàm phán các nguồn vắc-xin, đến nay có khoảng 110 triệu liều vắc-xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. 

Có đủ nguồn vắc xin tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.