Chính phủ tăng khung giá bán lẻ điện bình quân

Nhật Hạ - 14:38, 06/02/2023

TheLEADERKhung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi từ tháng này lên mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.

Chính phủ tăng khung giá bán lẻ điện bình quân
Khung giá bán lẻ điện bình quân là Khung giá này là mức trần và sàn để Chính phủ đưa ra mức giá bán lẻ điện bình quân cụ thể.

Theo quyết định Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký, từ ngày 3/2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) thay đổi như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Đồng thời, khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Như vậy, so với mức khung cũ, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu đã tăng 220 đồng/kWh, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh.

Khung giá này là mức trần và sàn để Chính phủ đưa ra mức giá bán lẻ điện bình quân cụ thể, từ đó làm căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

Mức này đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia… và hầu hết các nước phát triển khác. Ngược lại, giá điện của Việt Nam cao hơn một số nước như Malaysia, Lào, Nga, Ấn Độ…, theo số liệu của Globalpetrolprices.

Trong họp báo Chính phủ tháng 1 cách đây vài ngày, đại diện Bộ Công thương cũng đã cho biết lộ trình xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023.

Theo đó, EVN đang khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như VCCI, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. 

Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra EVN cũng phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, EVN đã công bố ước lỗ năm 2022 ở khoảng 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện.