Chính thức giảm 10% giá điện vì dịch Covid-19

Nhật Hạ - 12:15, 13/04/2020

TheLEADERChính phủ vừa đồng ý với đề xuất giảm 10% giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 trong tháng 4, 5, 6 và điện sản xuất, kinh doanh. Dự kiến mức hỗ trợ này sẽ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7.

Chính thức giảm 10% giá điện vì dịch Covid-19
Dự kiến mức hỗ trợ này sẽ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7.

Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của cơ quan này về việc giảm giá điện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong 3 tháng (từ 1/4/2020 đến 1/7/2020). Dự kiến mức hỗ trợ này sẽ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7. 

Bộ này hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành văn bản hướng dẫn thực hiện tới hết ngày 14/4, sau đó sẽ ban hành quyết định chính thức về giảm giá.

Theo đó, giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh/tháng) sẽ được giảm 10%. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm giá 10% ở tất cả các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm. Cơ sở lưu trú du lịch được giảm xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.

Bên cạnh đó, các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được miễn 100% tiền điện. Cơ sở khám, chữa bệnh, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 được giảm 20% tiền điện. Khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 cũng được giảm 20%.

Theo tính toán của Bộ Công thương, tổng số tiền hỗ trợ giảm cho các khách hàng dùng điện là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt 2.900 tỷ, các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 1.800 tỷ đồng và 100 tỷ đồng cho các cơ sở phục vụ chống Covid-19.

Những ngày gần đây, nhiều hộ gia đình đã phản ánh tiền điện sinh hoạt tăng cao đột biến vào tháng 3/2020. Ngày 12/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lý giải rằng kỳ hóa đơn tháng 4 được tính đúng vào thời điểm chuyển mùa, có tính quy luật thời tiết hằng năm.

Theo đó, ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3/2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Do đó, các hộ gia đình sử dụng nhiều thiết bị làm mát tiêu thụ nhiều điện.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.

Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP. Hà Nội tăng 17% và TP. HCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.