Cho phép mua lại TPDN là 'cởi trói' cho chính ngân hàng

Trần Anh - 18:44, 24/04/2023

TheLEADERViệc cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các ngân hàng trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu tăng cao khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn, trong khi tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể tự mua lại.

Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03 để ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 của Thông tư số 16 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/4 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, TCTD được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi đáp ứng một số quy định khác trong Thông tư 16.

Cùng ngày NHNN cũng ban hành Thông tư 02 hướng dẫn các TCTD cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp.

Việc NHNN cùng lúc ban hành Thông tư 02 và Thông tư 03 là kết quả sau buổi họp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp vào chiều 22/4 nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nợ quá hạn, đồng thời khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cần thiết phải có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn nhận tác động của quy định mới, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một động thái tích cực từ phía nhà quản lý.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá, việc cho phép các TCTD được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các TCTD trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu gia tăng khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Trong đó có các trái phiếu ngân hàng đã phân phối lại cho nhà đầu tư trong khi tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại.

Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng bởi ngân hàng đối với tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của TCTD. Trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động, việc ngân hàng được phép mua lại cũng tạo ra thanh khoản liên tục cho thị trường.

Mặt khác, quy định mới cũng góp phần giảm phần trái phiếu “trôi nổi” trên thị trường mà đang được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân với thông tin cơ bản là "mù tịt" về tổ chức phát hành nếu doanh nghiệp chưa niêm yết.

Theo thống kê của FiinGroup, trong tổng số trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng 789 ngàn tỷ đồng đang lưu hành thì riêng 28 ngân hàng niêm yết cũng sở hữu khoảng 253 ngàn tỷ, tức chiếm khoảng 29% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang sở hữu chỉ chiếm khoảng 2,95% tổng dư nợ tín dụng của 28 ngân hàng niêm yết vào cuối 2022. Tuy nhiên, tổng tín dụng ngân hàng cho chủ đầu tư / kinh doanh bất động sản ở mức 807 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2022 (theo số liệu công bố của NHNN), tức chiếm khoảng 7% tỷ trọng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

“Về cơ bản, nước nào cũng vậy, ngân hàng là nhà đầu tư và nhà tạo lập chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, nói đến phát triển trái phiếu doanh nghiệp thì không thể không xem xét cơ sở nhà đầu tư vào sản phẩm này. Khai thông thị trường trái phiếu, bên cạnh chuẩn hoá phía cung và nền tảng cứng và mềm thì việc thông phía cầu trái phiếu trong đó có ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư... là yếu tố then chốt”, ông Thuân nhận định.

Khác với các ngân hàng, kỳ vọng của các doanh nghiệp về việc nởi lỏng điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng trong lần sửa đổi Thông tư 16 này không được đáp ứng.

Cụ thể, quy định vẫn cấm các TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.