Chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép

Dũng Phạm - 11:03, 07/10/2023

TheLEADERNhận định xu hướng thị trường, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Phát chia sẻ ngành thép có thể đã tạo đáy vào quý IV/2022, quý I/2023, nhưng giá thép vẫn giảm. Đây không chỉ là do cung - cầu mà còn vì giá nguyên vật liệu dầu vào giảm.

Chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép
Hoà Phát tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành thép. Ảnh: Hoàng Anh

Tháng 9/2023, Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) đã sản xuất 635.000 tấn thép thô, giảm 7% so với tháng 8. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. 

Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng là 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023. Nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. 

Tuy vậy, tập đoàn cho biết thép xây dựng Hòa Phát vẫn nhỉnh hơn tháng 8 vừa qua, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao xuất khẩu ghi nhận 90.000 tấn.

Chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép trong năm 2023

Trong tháng 9, lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 234.000 tấn, xấp xỉ mức bán hàng tháng trước đó. Về thị trường, Hòa Phát phát triển cả nội địa và xuất khẩu nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ.

Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát gồm ống thép và tôn mạ đạt lần lượt hơn 48.000 tấn và 20.000 tấn trong tháng vừa qua, tương ứng tăng 20% và 75% so với tháng 8.

Lũy kế 9 tháng năm, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.

Qua 9 tháng, tiêu thụ thép xây dựng và thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,57 triệu tấn, giảm 25% so với 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại, giảm tương ứng 14% và 3% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Theo VSA, cuộc cạnh tranh về giá bán, thị phần thép xây dựng của các nhà máy đang ngày càng khốc liệt để duy trì hoạt động của các nhà máy. Trong khi đó, thị trường bất động sản trì trệ khiến nhu cầu sử dụng thép xây dựng suy giảm so với kỳ vọng vào mùa cao điểm.

Nhận định xu hướng thị trường, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát chia sẻ ngành thép có thể đã tạo đáy vào quý IV/2022, quý I/2023, nhưng giá thép vẫn giảm. Đây không chỉ là do cung - cầu mà còn vì giá nguyên vật liệu dầu vào giảm.

“Giai đoạn quý IV, tiêu thụ thép sẽ tốt lên nhưng không nhiều do nền kinh tế vẫn tương đối xấu. Để có sự thay đổi đột biến, ngành phải chờ khi nào nền kinh tế phục hồi mạnh, bất động sản và chế biến chế tạo đi lên. 

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng khi nào lãi suất thế giới giảm thì nền kinh tế mới phục hồi. Một số chuyên gia cho rằng phải đến tháng 5, 6/2024 Fed mới giảm lãi suất”, ông Thắng cho biết.

Theo vị lãnh đạo Hòa Phát, những tháng cuối năm ngành thép vẫn trông chờ vào các dự án đầu tư công. Ngoài ra, việc Chính phủ giảm lãi suất thời gian qua cũng bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng được xem là động lực cho tiêu thụ thép thời gian tới.

Dù vậy, đa số các doanh nghiệp đều nhận định chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép trong những tháng còn lại năm 2023 bởi tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Tuy nhiên, kịch bản về một sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc triển Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công.