Chuỗi cà phê ngoại rời bỏ thị trường Việt Nam

Việt Hưng - 12:02, 12/06/2023

TheLEADERTrải qua 2 năm đại dịch, ngành F&B đã có nhiều biến động khiến cho nhiều chuỗi cà phê ngoại gặp khó trong việc bám trụ thị trường Việt Nam.

"Với trái tim nặng trĩu, chúng tôi phải chia sẻ với các bạn, Mellower Coffee đã không thể tiếp tục hoạt động tại Việt Nam", phía Mellower Coffee thông báo trên mạng xã hội.

Mellower Coffee - chuỗi cà phê đặc sản của Trung Quốc đã tuyên bố chính thức đóng cửa tại Việt Nam sau khoảng 4 năm gia nhập thị trường.

Tại Việt Nam, Mellower Coffee lần đầu xuất hiện vào năm 2019, tại tòa nhà Deutsches Haus trên đường Lê Duẩn, TP. HCM. Tiếp đó, thương hiệu mở thêm chi nhánh tại tòa nhà The Metropolitan, Quận 1, thay thế cho cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf.

Giá đồ uống ở Mellower khá cao so với mặt bằng chung, dao động từ 49.000-100.000 đồng, với những món cà phê được yêu cầu riêng, mức giá có thể hơn 200.000 đồng.

Hiện tại, Mellower Coffee đã có hơn 80 cửa hàng trên toàn thế giới và có mặt ở nhiều quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.

Chuỗi cà phê ngoại rời bỏ thị trường Việt Nam
Mellower Coffee - chuỗi cà phê đặc sản của Trung Quốc đã tuyên bố chính thức đóng cửa tại Việt Nam

Tiếp bước Mellower Coffee, chuỗi Auntie Anne's - thương hiệu cà phê và bánh của Mỹ cũng chia tay thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động.

Auntie Anne's cũng gia nhập thị trường Việt Nam năm 2019. Ngoài cà phê, chuỗi này tập trung vào bánh Pretzel - món ăn đường phố được yêu thích nhất tại Mỹ.

Trải qua hơn 30 năm phát triển, thương hiệu này đã được nhượng quyền và có mặt ở 26 quốc gia. Tại Việt Nam, thương hiệu này có mặt ở Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng với nhiều chi nhánh ở các trung tâm thương mại và các khu vực trung tâm.

Trước thời điểm Auntie Anne's, Mellower Coffee chia tay thị trường Việt Nam, những chuỗi cà phê phong cách ngoại như Gloria Jean’s, New York Dessert Coffee hay The Coffee Bean & Tea Leaf đều đã gặp thất bại.

Chuỗi cà phê ngoại rời bỏ thị trường Việt Nam 1
Chuỗi Auntie Anne's - thương hiệu cà phê và bánh của Mỹ cũng chia tay thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động

Theo báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022" thực hiện bởi iPos.vn, VIRAC và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam, nước ta hiện có gần 338.600 nhà hàng và quán cà phê.

Ngân sách "đi cà phê" của người Việt dao động từ 40.000-70.000 đồng. Vào các dịp đặc biệt, ngân sách ăn uống này có thể tăng lên khoảng 500.000 đồng/mỗi người.

2023 khả năng trở thành cuộc chiến dành thị phần giữa các chuỗi lớn khi các chủ đầu tư nhỏ lẻ thận trọng. Theo đó, quý 4/2022 chứng kiến sự chững lại của ngành F&B so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi, tuy nhiên cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat...

Trải qua 2 năm đại dịch, ngành F&B đã có nhiều biến động, nhu cầu đối với các sản phẩm này hồi phục mạnh mẽ sau thời kì giãn cách.

Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, tuy nhiên theo Euromonitor, giá trị thị trường năm 2023 dự kiến sẽ tăng 18% so với 2022. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938.305 tỷ đồng vào năm 2026.