Chuyên gia chỉ rõ nhiều phiền hà trong hệ thống luật về lĩnh vực xây dựng

Minh Anh - 14:51, 14/12/2017

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng, pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn, thậm chí rủi ro cho doanh nghiệp.

Chuyên gia chỉ rõ nhiều phiền hà trong hệ thống luật về lĩnh vực xây dựng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP. Invest

Theo Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP. Invest) những thủ tục với ngành xây dựng hiện còn khá phức tạp. 

Ông Hiệp chia sẻ, từng tình cờ nhìn thấy một giấy phép xây dựng được cấp dưới thời Pháp thuộc, khoảng năm 1921. Nội dung của giấy phép chỉ gồm ranh giới đất, mặt tiền, có nghĩa là với giấy này, "bên trong khu đất, anh muốn làm gì thì làm vì đấy là đất của nhà anh".

Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, Chủ tịch GP.Invest đã chỉ ra nhiều bất cập, phiền hà trong việc cấp giấy phép xây dựng hiện nay. 

Lấy ví dụ về một việc rất nhỏ như sửa cái toilet, ông Hiệp cho biết, chỉ cần sửa chuyển từ chỗ này sang chỗ kia thôi cũng phải xin phép, điều chỉnh giấy phép mất không ít thời gian.

“Công trình nằm trong đất của tôi, xây dựng như thế nào là việc của tôi, miễn là không vi phạm vào ranh giới của người khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng và chiều cao công trình. Về vấn đề này, giấy phép xây dựng hiện nay cần phải xem xét để cải tiến", Chủ tịch GP. Invest nói.

Về những phiền hà trong quá trình xin giấy phép xây dựng, lấy chính dự án của mình làm ví dụ, ông Hiệp cho hay, dự án của GP. Invest ở quận Hai Bà Trưng có 42 nhà liền kề và một tòa 9 tầng. Lúc GP. Invest gửi hồ sơ xin cấp phép xây dựng cho dự án lên sở thì Sở Xây dựng bảo dự án phải chia ra làm hai phần. Luật quy định 42 nhà thấp tầng chỉ cần quận cấp phép còn tòa 9 tầng lại do sở cấp phép. 

"Vậy là chỉ vì thủ tục giấy phép xây dựng, dự án đã phải mất đến 3 tháng trời”, ông Hiệp chia sẻ.

Qua đó, Chủ tịch GP. Invest kiến nghị, nếu đã có quy hoạch 1/500 thì mức độ công trình như thế nào cần được quy định rõ ràng, ai được cấp phép, để doanh nghiệp không mất thời gian vì thủ tục hành chính.

“Chúng tôi cũng đề nghị với Bộ Xây dựng, hãy để Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có một buổi đối thoại với bộ trước khi luật được ban hành”, ông Hiệp cho hay.

Đối với dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị”, ông Hiệp cho rằng, một trong những bất cập của Luật Xây dựng hiện nay là bắt buộc các nhà thầu phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng nhưng lại không có quy định các nhà đầu tư phải bảo lãnh thanh toán.

Điều này dẫn đến 100% các nhà thầu đều có nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Và chuyện có thể đòi được hay không là cả một bài toán phức tạp. “Có thể nói là tùy thuộc chủ đầu tư, còn đi kiện tòa dân sự thì không bao giờ giải quyết được vì không có luật nào quy định về bảo lãnh thanh toán cả”, ông Hiệp nói.

Do đó, ông Hiệp kiến nghị, Luật Xây dựng phải có quy định chủ đầu tư bảo lãnh thanh toán, ít ra phải là 30% cuối cùng vì đây là giai đoạn rủi ro rơi vào nhà thầu. Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, cơ quan soạn thảo luật nên hết sức cân nhắc về mặt câu chữ, chỉ cần một lỗi câu thôi cũng có thể làm người ta hiểu khác đi. 

Ví dụ như Nghị định 09, quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải đấu giá, nhưng cơ quan soạn thảo lại thiếu một câu là: Chỉ những doanh nghiệp nào, nguồn gốc đất nào có trên 50% sở hữu nhà nước thì mới phải đấu giá.

"Chỉ thiếu một câu ấy thôi mà các dự án ở Hà Nội trong khoảng một năm trở lại đây không thể cử động được, kể cả có giấy phép”, ông Hiệp cho hay.

Về những bất cập trong cấp giấy phép xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng có khâu cấp giấy phép, nhưng lại không có khâu kiểm tra xem việc thực hiện ra sao, có đúng giấy phép được cấp không. 

Đây là căn nguyên dẫn đến tình trạng vi phạm giấy phép xảy ra rất phổ biến. Khi báo chí phát hiện ra thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, chứ không phát hiện ra.

"Tôi lấy ví dụ như chủ đầu tư Mường Thanh, họ xây bao nhiêu tầng thì xây, chỉ cần bôi trơn cấp dưới, sau đó nộp phạt. Ở một số quốc gia, họ quy định rõ nếu muốn xây vượt một tầng thì doanh nghiệp sẽ nộp 25 tỷ USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vi phạm pháp luật trong xây dựng chịu mức phạt còn rẻ hơn cả phí bôi trơn", ông Liêm nói.

Cũng liên quan đến giấy phép xây dựng, một số ý kiến cho rằng với những công trình có chiều cao 2 tầng thì không cần kiểm tra, quan tâm chất lượng nên cần miễn giấy phép. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, không phải cứ công trình đơn giản là miễn giấy phép. 

Vừa qua có công trình tại một số trường học bị sập lan can, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện. Do đó, cần quản lý chặt vấn đề cấp giấy phép. Giấy phép xây dựng không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng, ông Liêm góp ý.