Cơ hội cuối cùng cho ngành thủy sản

Ánh Nguyễn - 07:08, 31/03/2024

TheLEADERChỉ hai tháng nữa, phái đoàn thanh tra từ Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành đợt kiểm tra lần thứ năm để xem xét gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.

Cơ hội cuối cùng cho ngành thủy sản
EC khẳng định sẽ không gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam dù chỉ còn một trường hợp vi phạm. Ảnh: Hoàng Anh

Nếu không gỡ được thẻ vàng trong đợt kiểm tra này, Việt Nam sẽ mất ít nhất vài năm nữa mới được xem xét gỡ thẻ vàng. Trường hợp xấu nhất là EC có thể nâng mức “phạt” từ thẻ vàng lên thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc thủy sản Việt Nam bị dừng xuất sang thị trường châu Âu.

Trong các lần kiểm tra trước, EC luôn đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Tuy nhiên, thẻ vàng vẫn chưa được gỡ.

Phía EC thậm chí còn khẳng định, sẽ không gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam dù chỉ còn một trường hợp vi phạm.

Theo số liệu từ Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 15 nghìn tàu cá thuộc vào loại “ba không”, tức là không đăng ký, không đăng kiểm và không được cấp phép.

Bên cạnh đó, nhiều tàu cá dù được gắn thiết bị giám sát hải trình (VMS) nhưng cố tình ngắt kết nối trong hải trình. Tính các trường hợp ngắt VMS trên 10 ngày, chỉ chưa đầy ba tháng đầu năm đã có đến hơn 5 nghìn tàu cá. Đó là chưa kể đến những hành vi khác như gửi thiết bị VMS lên tàu cá khác.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương phải hoàn thành và báo cáo kết quả về việc triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với thủy sản khai thác trước 31/12/2023. Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ này.

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là chủ trương của Nhà nước để chấm dứt triệt để tình trạng khai thác thủy sản IUU. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng làm công tác kiểm ngư vẫn còn mỏng, khiến hiệu quả xử lý các vi phạm chưa được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác thủy sản IUU do đời sống bà con ngư dân vẫn còn khó khăn, bấp bênh. Lãnh đạo một địa phương từng báo cáo với Chính phủ rằng đã “rớt nước mắt” khi ký quyết định tịch thu tàu cá. Tuy nhiên, ký xong cũng chẳng tịch thu được vì ngư dân chưa trả hết nợ, tàu cá thuộc về ngân hàng.

Nhận định lần thanh tra vào hai tháng tới là “cơ hội quyết định” để gỡ thẻ vàng IUU, tại cuộc họp với 28 địa phương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cần những giải pháp quyết liệt, tổng lực giải quyết tận gốc những vấn đề còn tồn tại trước khi đón đoàn thanh tra EC.

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai đoàn công tác kiểm tra các địa phương về việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao tăng cường các hoạt động quản lý, kiểm soát tàu cá, điều tra và đưa ra xét xử các hành vi hợp thức hóa thủy sản xuất khẩu, mở rộng điều tra các nhóm tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Về lâu dài, Phó thủ tướng chỉ đạo cần tìm giải pháp mang tính căn cơ hỗ trợ phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng phương án khai thác thủy sản hợp lý, có thể tính đến trường hợp cấm biển và hỗ trợ ngư dân khi cấm biển để tái tạo ngư trường.