Cơ hội vàng để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Canada

Nhã Nam - 20:42, 25/04/2019

TheLEADERTrong bối cảnh thuận lợi trong hợp tác, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn, năm 2018, mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada.

Cơ hội vàng để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Canada
Xuất nhập khẩu của hai nước đã tăng hơn 4 lần trong 10 năm qua.

Trên thực tế, Việt Nam và Canada đang có một nền tảng quan hệ kinh tế, chính trị tốt đẹp hơn bao giờ hết. Việt Nam và Canada đều cùng là thành viên của nhiều diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie)…

Giữa hai nước đã có nhiều chuyến thăm cấp cao và gần đây nâng cấp trở thành quan hệ “Đối tác toàn diện” của nhau vào tháng 11/2017, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong đó, thương mại và đầu tư là yếu tố trụ cột.

Về thương mại, Canada được xem là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Canada, xuất nhập khẩu của hai nước đã tăng hơn 4 lần trong 10 năm qua và tăng tới 23 lần nếu tính từ năm 2000.

Dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt tới 20%. Việt Nam hiện nay đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này năm 2018 đạt 4 tỷ USD, xuất siêu 2,4 tỷ USD .

Những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada cũng là các mặt hàng chủ lực của ta, gồm: dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ… Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… cũng bước đầu có tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang thị trường này trong thời gian qua.

Mặt khác, Việt Nam cũng là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á của Canada. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2018 cao gấp 3 lần Indonesia, Philippines, gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, tại hội thảo ‘Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam – Canada’ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada.

Điều này cho thấy, với khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam và nhu cầu của Canada, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn. Bù lại, các sản phẩm công nghệ cao của Canada như máy móc, sản phẩm sinh học, hóa chất và các nguyên liệu cho sản xuất, chăn nuôi… luôn là những mặt hàng có nhu cầu cao tại Việt Nam.

Về đầu tư, hiện nay, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 149 dự án, trị giá hơn 5 tỷ USD. Các dự án được đánh giá là có chất lượng cao, với bình quân 1 dự án là 32,36 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,97 triệu USD/dự án, với các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo…

Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Trong số các quốc gia tham gia, Canada là một trong những nước có mức cam kết mở cửa thị trường cao nhất, hàng nghìn dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu đưa về 0%, cùng mức cắt giảm thuế lên tới 95% số dòng thuế, bao trùm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada, chuyển từ mức thuế MFN trung bình là 17% xuống 0%.

Cơ hội 'hiếm có khó tìm' để thâm nhập thị trường Canada
Xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada.

Thị trường Canada đang mang lại cơ hội “có một không hai” để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Các lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển mạnh như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép và hàng nông sản.

Đối với thủy sản, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế xuất 0% từ ngày 14/01/2019. Trong khi đó, thủy sản hiện đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Năm 2018, Canada đã tiêu thụ 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam.

Trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như cá basa (chiếm gần 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada), tôm bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu, cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh chiếm 89% thị phần...

Thuế MFN của Canada đối với các mặt hàng này hiện là 4-5% và theo cam kết CPTPP thuế suất cho các mặt hàng này sẽ giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada nhưng được bán qua nhà phân phối, chưa bán trực tiếp. Hiện nay, các công ty lớn của Canada (Costco, Metro...) có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí, do đó nên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.

Đối với đồ gỗ nội thất, thuế giảm ngay từ 9,5% xuống 0% (trừ ghế gỗ dùng trong nhà thuế giảm dần về 0% sau 6 năm). Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất về đồ gỗ phòng ngủ vào Canada (chiếm gần 30% thị phần). Năm 2018, Canada đã tiêu thụ 166 triệu USD đồ gỗ của Việt Nam.

Canada có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho toàn bộ thị trường Bắc Mỹ và đang quan tâm nhiều đến đồ gỗ cung cấp cho khách sạn cao cấp tại Mỹ và Canada. Sản phẩm gỗ xuất sang Canada nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết. Màu sắc, chất lượng hàng giao phải đúng với mẫu mã, nếu có thay đổi phải báo trước. Khi gặp hỏng hóc, gãy đổ trong quá trình vận chuyển cần nhanh chóng khắc phục.

Đối với hàng dệt may, mặc dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối tại thị trường Mỹ và các nước khác.

Hiện dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Canada mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada. Thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm từ 17%-18% xuống còn 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực (khoảng 50% mặt hàng xuất khẩu) hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang Canada.

Với hàng giày dép, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức hiện tại; về cơ bản Việt Nam có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ mặt hàng giày dép nên khả năng được hưởng ưu đãi thuế cao.

Theo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, giày dép Việt Nam chủ yếu do các công ty FDI sản xuất và họ có kênh phân phối riêng tại thị trường Canada và Bắc Mỹ, Việt Nam có thể xúc tiến thương mại các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như dép sandal, dép đi trong nhà, giày da, ủng đi mưa… qua hình thức kết nối giao thuơng.