Nhận định từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Tài chính cho biết tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện đang chậm. Như vậy, nhiều khả năng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm nay sẽ khó hoàn thành.
Cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng ì ạch vì nợ
Trong số 16 doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, đến nay vẫn còn 4 doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đó là các Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).
Ngoại trừ VICEM chưa xác định được giá trị doanh nghiệp, và giá trị phần vốn tại doanh nghiệp tổng giá trị 3 Tổng công ty còn lại theo số liệu Bộ Xây dựng lên tới 34.717 tỷ đồng, trong đó riêng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định 10.437 tỷ đồng (riêng IDICO sẽ IPO vào ngày 5-10 tới).
Tình hình kinh doanh bết bát và việc xác định làm rõ giá trị doanh nghiệp gắn với tài sản đất đai đang làm chậm tiến trình IPO của nhiều tổng công ty trong ngành xây dựng. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành này đang sở hữu nhiều tài sản đất đai, nhà xưởng tại các đô thị, nên quá trình cổ phần hóa nếu không được tính toán kỹ, xác định đúng giá trị thực sẽ dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Trong phương án phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của HUD được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ 51%, bán ưu đãi cho người lao động 0,31%, bán ra bên ngoài 48,69% vốn điều lệ. Trong số cổ phần bán ra bên ngoài, số bán cho nhà đầu tư chiến lược của HUD tương đương 25% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, việc định giá HUD (năm 2014) trước thời điểm cổ phần hóa của Bộ Xây dựng, theo Bộ Tài chính thời gian xác định giá trị doanh nghiệp của HUD so với thời điểm bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) chưa phù hợp với quy định. Bộ này đề nghị Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm về sự tăng, giảm giá trị tài sản tác động đến giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại HUD; đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo HUD rà soát giá trị tầng 1 các dự án chung cư, dự án nhà ở do HUD làm chủ đầu tư, xác định quyền sở hữu để có cơ sở các định giá trị doanh nghiệp.
Quá trình cổ phần hóa HUD cũng vướng mắc khi nghĩa vụ trả nợ của tổng công ty này chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể là việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ tại dự án xi măng Sông Thao giữa HUD và VICEM. Trước đây, khi đầu tư dự án xi măng Sông Thao, HUD đã vay ngân hàng BNP Paribas 531.250 EUR, lãi ước tính đến nay khoảng 133.697 EUR. Các khoản vay từ Quỹ tích lũy trả nợ của HUD tính đến tháng 4/2017 khoảng 1,9 triệu EUR và 2,9 triệu USD cũng được HUD vay dưới sự bảo lãnh Chính phủ để triển khai dự án xi măng Sông Thao, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thực tế quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp xây dựng hiện nay gặp không ít khó khăn khi nhiều tổng công ty rơi vào tình trạng thua lỗ nhiều năm, nợ nần, mất cân đối về tài chính. Chẳng hạn tại Tổng công ty Sông Hồng, doanh thu năm 2016 đạt trên 564 tỷ đồng, nhưng chi phí cùng kỳ lên tới 723 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận trước thuế âm khoảng 170 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của tổng công ty này vào cuối năm 2016 khoảng 389 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 63 tỷ đồng, nợ ngắn hạn khoảng 895 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, song không thể phủ nhận món nợ ngàn tỷ tại CTCP Xi măng Hạ Long là rào cản lớn dẫn đến sự chậm trễ. Theo đó, số nợ phải thu của Tổng công ty lên tới 8.968 tỷ đồng, riêng công nợ phải thu từ 3 CTCP Xi măng Hạ Long, Điện Việt-Lào và Thủy điện Nậm Chiến lên tới 6.733 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nợ phải thu. Việc không xử lý dứt điểm khoản nợ tại các công ty con này đã khiến công ty mẹ không thể tiếp cận khoản vay từ dự án 2 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để cơ cấu lại doanh nghiệp trước thời điểm IPO.
Chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm
Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2017 đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017; 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp trên là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của 34 đơn vị 25.873 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai 5.060 tỷ đồng.
Nhận định về tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 9 tháng qua, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra. Với tình hình thực hiện thời gian qua có thể năm 2017 chỉ hoàn thành cổ phần hóa 38/44 doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo kế hoạch. Nguyên nhân do một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt, nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường chứng khoán đã hồi phục song vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.
Ràng buộc điều kiện nhà đầu tư chiến lược
Để khắc phục những bất cập của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện hành cũng như giải pháp để thu hút nhà đầu tư tham gia vào quá trình này, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điểm đáng chú ý trong đó là điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp, nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, dẫn tới quyền lợi của họ bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.
Với những điểm đổi mới trong dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sau khi Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Đặng Tiến Quyết, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp.
Để khắc phục hạn chế trên, dự thảo đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài, bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện, như có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế.
Điểm quan trọng là nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm; không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực... Nếu không thực hiện các cam kết phải có nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm.
Dự thảo cũng quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa.
Điểm quan trọng tiếp theo là việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đây có thể coi là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua. Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Dự thảo cũng quy định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
Nhằm ngăn ngừa việc doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ toàn bộ diện tích đất đang quản lý, khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, cần rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch; những diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục sử dụng đã được tính toán, hướng dẫn đảm bảo phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành.
Sở hữu những khu đất “vàng” rộng lớn nằm ngay giữa Hà Nội, nhưng khi cổ phần hóa, không phải tính giá trị lợi thế đất đai vào trị giá doanh nghiệp nên vốn điều lệ rất ít. Trong khi đó, mục đích chính của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa là liên kết, bắt tay với các đối tác bên ngoài để thực hiện những dự án bất động sản, còn quyền lợi người lao động bị đánh bật.
Sao một hãng phim đầu đàn của ngành điện ảnh nước nhà lại phải đối mặt với cơn bĩ cực nhiều khả năng dẫn đến diệt vong này? Và chúng tôi nhận ra, nguyên nhân có nhiều, trong đó không thể thiếu đi góc nhìn tỉnh táo để tự trách mình đã có lúc thờ ơ, có lúc vô trách nhiệm… khiến ngôi nhà của mình rơi vào nguy cơ sụp đổ. Nhưng nguyên nhân chính lại nằm ở cơ chế và những quyết sách vĩ mô.
Bên cạnh việc có thêm “room” cho vay để đảm bảo mức trần quy định, hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt tăng vốn cũng giúp các công ty gia tăng nội lực tài chính.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.