Cơm 9 phút: Khi vua đầu bếp kết hợp CEO định nghĩa lại cơm văn phòng

Hường Hoàng - 10:53, 05/04/2023

TheLEADERLà một công ty khởi nghiệp foodtech ra đời với sứ mệnh cung cấp cho khách hàng những bữa ăn ngon trong thời gian ngắn nhất, mới đây startup Cơm 9 Phút vừa có thêm sự hợp tác, bảo trợ về ẩm thực đến từ Vua đầu bếp Phạm Tuấn Hải.

Cơm 9 phút: Khi vua đầu bếp kết hợp CEO định nghĩa lại cơm văn phòng
Với khả năng giao hàng kết hợp với đầu bếp hàng đầu, Cơm 9 Phút là startup foodtech nhiều tiềm năng trong thời gian tới

Xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Hải Phòng, startup “Cơm 9 Phút” đã khiến cho nhiều người không khỏi tò mò vì cái tên của nó. Theo anh Đỗ Minh Phương, CEO của Cơm 9 Phút, cái tên của startup đại diện cho phương châm của hãng: “Từ lúc đặt cho đến lúc nhận cơm chỉ vừa mất 9 phút”.

Chỉ sau 6 tháng từ khi ra mắt lần đầu tiên, dự án “Cơm 9 phút” đã lọt vào top 20 tại TECHFEST 2022 vì những công nghệ tích hợp đằng sau cũng như tính khả thi của nó. Và giờ đây, sau 9 tháng hoạt động với những thành quả đo lường được, Cơm 9 phút đã được thổi thêm một luồng sinh khí mới khi có sự đồng hành của một trong những đầu bếp hàng đầu Việt Nam – Vua đầu bếp Phạm Tuấn Hải.

Với sự kết hợp này, “Cơm 9 phút” hứa hẹn là một startup thú vị và tiềm năng trên thị trường foodtech trong giai đoạn sắp tới.

Người khai sinh ra định nghĩa cơm văn phòng

Nhớ lại năm 1999, những ngày làm đầu bếp ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Tuấn Hải cho biết: “Vào những ngày rảnh rỗi, tôi thường đi cà phê. Là một đầu bếp, tôi để ý và phát hiện ra rằng các quán cà phê thường không có bếp. Họ thường chỉ tập trung vào đầu tư vào đồ uống, bởi vì làm đồ ăn phức tạp và rất mất công.

Trong khi đó, nhu cầu của các bạn làm văn phòng đi ăn trưa rồi mới đi cà phê là rất lớn. Mà thời gian cơm trưa thường chỉ kéo dài chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, vì vậy nếu vừa ăn cơm trưa vừa đi cà phê thì không đủ thời gian. Nhận thấy điều này, tôi đã gặp các chủ quán cà phê và đặt vấn đề hợp tác, cung cấp các phần ăn đó.”

Do thỏa thuận được nhiều quán cà phê với tổng lượng suất ăn lớn (có thể lên đến 2000 suất), sau một tuần “ủ mưu”, anh Hải quyết định tìm đến những “nhà sản xuất” có sẵn ngoài thị trường - các chị, các cô nấu cơm bụi để đặt các món ăn theo yêu cầu của mình, thay vì tự nấu.

Cơm 9 phút: Khi Vua đầu bếp kết hợp CEO 'viết lại định nghĩa' cơm văn phòng
Giám khảo Vua đầu bếp Phạm Tuấn Hải

Mỗi nơi, anh Hải đặt 5 món với giá 9.000 VNĐ/phần, bán lại cho chủ quán cà phê với giá 12.000 VNĐ/phần. Các chủ quán cà phê bán lại cho khách hàng 15.000 VNĐ, kèm với đó quán bán thêm được phần nước uống. Quán cà phê có thêm khách, thêm lợi nhuận. Khách hàng tiết kiệm được thời gian, tận hưởng giờ trưa.

Cung cấp cơm cho nhân viên văn phòng ở các quán cà phê, anh Hải là người đầu tiên cho ra đời thuật ngữ “cơm văn phòng” – một cái tên mà anh không ngờ rằng lại được mọi người đón nhận và dùng rộng rãi đến thế, cho tới tận hơn 20 năm trở về sau.

Thời bấy giờ, “cơm văn phòng” là những suất “cơm bụi đưa vào máy lạnh”, giúp nhân viên công sở ăn uống thuận tiện hơn. Nhưng với tâm thế của người đầu bếp – mang đến bữa cơm ngon cho thực khách, đến tận 20 năm sau, anh Hải vẫn đau đáu về chất lượng của những bữa cơm văn phòng năm nào: Liệu những suất ăn này có thể ngon hơn, nóng sốt hơn nhưng vẫn vừa vặn với túi tiền của dân công sở?

Và sau hơn 20 năm, anh đã gặp anh Đỗ Minh Phương - vị CEO đồng chí hướng trong việc tạo ra một sản phẩm khắc phục được tất cả những khuyết điểm của cơm văn phòng từ trước đến giờ: khô, nguội, chán, chưa đảm bảo vệ sinh…

Vị CEO luôn đổi mới sáng tạo

Từng trải nghiệm những khoảng thời gian ăn “cơm bụi” trường kỳ khi đi làm việc bên ngoài, anh Đỗ Minh Phương (CEO kiêm founder của startup PUSH Co-working Space và Cơm 9 Phút) rất hiểu cảm giác chán nản khi phải ăn những suất cơm nguội lạnh, thiếu mỹ quan và chất lượng. “Nỗi đau” này đã tạo nguồn cảm hứng cho anh lao vào nghiên cứu để tìm ra công thức làm ra những suất ăn với khả năng “đánh bay” những trải nghiệm tệ hại về cơm văn phòng.

Cơm văn phòng thường trở nên không ngon với nhiều người vì cơm đến tay của họ khi đã quá muộn và quá nguội. Vì vậy, anh Phương mong muốn tìm ra cách để có thể giải quyết bài toán giao hàng nhanh, kịp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi của khách hàng công sở. Và mốc thời gian giao hàng anh chọn là … 9 phút.

Cơm 9 phút: Khi Vua đầu bếp kết hợp CEO 'viết lại định nghĩa' cơm văn phòng 1
Anh Đỗ Minh Phương, CEO của startup Cơm 9 Phút

Đây là thời gian giao hàng quá nhanh đối với những hàng hóa thông thường và là khoảng thời gian không thể tin được đối với hoạt động giao nhận đồ ăn vốn nhiều công đoạn: lên đơn, nấu nướng, ship hàng… Nhưng với niềm tin không gì là không thể, anh Phương tập trung tìm công nghệ để giải quyết vấn đề. Hai công nghệ chính mà anh quan tâm là công nghệ bảo quản và công nghệ điều hành.

Qua nhiều lần thử nghiệm, từ những lần đầu tiên bị chê là “cơm 90 phút” vì giao hàng không đúng hẹn, Cơm 9 phút đã chinh phục được khoảng thời gian giao hàng tiêu chuẩn.

Tuy vậy, nhanh thôi chưa đủ, một startup thành công còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sản phẩm và mô hình kinh doanh. Vào thời điểm ban đầu, để cải thiện thời gian, “Cơm 9 phút” tập trung vào phục vụ một món duy nhất, đó là món cơm sườn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, vì thực đơn lặp đi lặp lại, đến cả những khách hàng thân thiết nhất của Cơm 9 Phút cũng phải giảm tần suất đặt cơm vì quá… ngán.

Để giúp Cơm 9 Phút có thể mở rộng hơn, không ngừng tăng trưởng, anh Phương đi đến quyết định đa dạng món ăn. Nhưng làm thế nào để có được những suất cơm ngon, chất lượng, món ăn thay đổi từng ngày, phục vụ được số lượng khách hàng lớn nhưng lại vẫn đúng giờ trở thành bài toán hóc búa tiếp theo mà Cơm 9 Phút cần tìm ra lời giải.

Như đạo Phật đã đúc kết: “Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”, khi đang đau đầu chưa biết làm gì để xoay chuyển tình hình, anh Phương đã có cơ duyên gặp được anh Phạm Tuấn Hải - Giám khảo chương trình Masterchef 5 mùa liên tiếp, với 27 năm kinh nghiệm làm việc tại những khách sạn, nhà hàng hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời là người cung cấp giải pháp thực phẩm của Knor, trực thuộc Unilever.

Và những tư vấn giải pháp ẩm thực toàn vẹn từ anh Phạm Tuấn Hải đã khiến cho con đường của Cơm 9 Phút đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Với sự hợp tác này, giờ đây, mục tiêu của Cơm 9 Phút không chỉ dừng lại ở mức độ xóa bỏ những ác cảm của người dùng về định nghĩa cơm văn phòng mà còn đi xa hơn rất nhiều: Đưa món ăn “5 sao“ thành cơm văn phòng. Đưa những món ăn đẳng cấp đến với phần lớn người dân với chi phí phải chăng (chỉ 35.000 VNĐ), nhanh (9 phút), và người dùng nhận được cơm trong tình trạng vừa thơm, vừa nóng.

Cơm 9 phút: Khi Vua đầu bếp kết hợp CEO 'viết lại định nghĩa' cơm văn phòng 2
Vua đầu bếp Phạm Tuấn Hải cùng CEO Đỗ Minh Phương cùng chuẩn hóa sản phẩm

"Với khả năng giao hàng kết hợp với đầu bếp hàng đầu, chúng tôi tự tin có thể tạo ra những bữa cơm mà người dùng sẽ không còn phải băn khoăn, đắn đo xem hôm nay mình ăn gì, thay vào đó sẽ háo hức chờ đợi trải nghiệm một món ngon", anh Phương chia sẻ.

Câu chuyện đường dài

Cơm 9 Phút không phải là một công ty startup bán cơm thông thường, mà là một công ty khởi nghiệp về Foodtech (công nghệ thực phẩm). Hai động lực lớn của Cơm 9 Phút là công nghệ và ẩm thực. Sản phẩm của Cơm 9 Phút hôm nay có thể đang dừng lại ở các món cơm, nhưng sau này có thể là những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc khác của người Việt, có thể bán các loại nguyên liệu ẩm thực… Với mô hình kinh doanh như vậy, Cơm 9 Phút đang có nhiều tiềm năng mở rộng loại hình kinh doanh và sản phẩm.

Về định hướng và mục tiêu của Cơm 9 Phút trong tương lai, anh Đỗ Minh Phương cho biết vào thời điểm hiện tại, công ty đang tập trung hoàn thiện, “sống khỏe” tại Hải Phòng. Trong năm 2023, Cơm 9 Phút phấn đấu mở rộng thị trường sang các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Sau khi đã tạo phủ rộng rãi và đạt mục tiêu doanh thu trên thị trường Việt Nam, Cơm 9 Phút mong muốn IPO vào năm 2025. Và dài hơi hơn, Cơm 9 Phút hướng tới chinh phục thị trường thế giới, khẳng định giá trị ẩm thực Việt.

Trong hành trình tham vọng đó, Cơm 9 Phút đã có được những thành tựu đầu tiên: Nhận được lượng đặt hàng đều đặn và doanh thu tương đối ổn định trên thị trường Hải Phòng, nhận được nhiều lời đề nghị đặt hàng qua kênh B2B và lời đề nghị nhượng quyền. Vào tháng 2 vừa qua, Cơm 9 Phút cũng đã nhận được đầu tư của cá nhân ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa BK Fund.

Cơm 9 phút: Khi Vua đầu bếp kết hợp CEO 'viết lại định nghĩa' cơm văn phòng 3
Cơm 9 phút nhận được vốn đầu tư từ cá nhân ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund

"Tôi đầu tư trên cơ sở niềm tin cá nhân và đội ngũ sáng lập có năng lực đổi mới sáng tạo, vượt khó để thực hiện mô hình kinh doanh nhiều tiềm năng và đầy thử thách. Cơm 9 Phút là mô hình tự nấu cơm, tự phân phối và có tiềm năng tăng trưởng nhanh, khác mô hình nấu suất ăn công nghiệp một số doanh nghiệp đang làm để cung cấp cho khu công nghiệp, cho hệ thống hàng không", ông Hiệp nhận định.

Anh Đỗ Minh Phương cũng hồ hởi cho biết thêm: “Trong khoảng một tháng trở lại đây, Cơm 9 Phút liên tục nhận được sự liên hệ và quan tâm từ các quỹ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy Cơm 9 Phút không chỉ nhận được sự đón nhận từ thị trường, mà còn có sự công nhận, bảo chứng từ các nhà đầu tư”.