Công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục

Trần Anh - 15:19, 20/07/2021

TheLEADERThị trường chứng khoán thăng hoa nửa đầu năm với thanh khoản bùng nổ giúp hầu hết các công ty chứng khoán đều lãi đậm. Mặc dù vậy, kỳ vọng lợi nhuận trong nửa sau của năm 2021 đã giảm và nhiều khả năng sẽ bình thường trở lại vào năm 2022.

Công ty Chứng khoán VnDirect vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2021 với doanh thu đạt 1.091 tỷ đồng và lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 490 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mảng kinh doanh mang lại doanh thu cao nhất cho VnDirect là doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán, đạt 371 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đó là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt lần lượt 328 và 244 tỷ đồng, tăng lần lượt 161% và 216% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hoạt động của VnDirect đạt trên 2.154 tỷ đồng, tăng trưởng 148% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 1.135 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, nhờ doanh thu từ hoạt động cho vay, nghiệp vụ tự doanh và môi giới chứng khoán tăng mạnh, Công ty chứng khoán của Techcombank (TCBS) cũng ghi nhận doanh thu tăng 3,5 lần trong quý 2 năm nay, đạt 413 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 801 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, TCBS ghi nhận 1.475 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng bứt phá trong quý 2 năm nay đạt 569 tỷ đồng, tăng gần 13 lần so với quý 2/2021. Trong đó, lãi bán các tài sản tài chính ghi nhận 346,5 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu 119 tỷ đồng,  nghiệp vụ môi giới chứng khoán 110,4 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2021, Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế 132,6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận lãi sau thuế 237 tỷ đồng, tăng 3 lần.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng ghi nhận tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 530 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2021 và tăng trưởng 311% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, doanh thu từ các nghiệp vụ kinh doanh chính như môi giới, ngân hàng đầu tư và đầu tư đều hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm 2021.

Công ty Chứng khoán TVSI cũng ghi nhận doanh thu quý 2/2021 đạt 320,5 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TVSI ghi nhận 219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi Công ty Chứng khoán SSI công bố báo cáo tài chính riêng quý II với doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý đạt lần lượt 1.742 tỷ đồng và 703,5 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục của công ty này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của SSI đạt 3.245 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.232 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của SSI đạt 15.539 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm. Con số này đã vượt qua đơn vị đứng đầu quý trước là Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) sau khi MASVN bị hết room và dừng lại ở quy mô 13.330 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản ứng trước).

Công ty chứng khoán 100% vốn Hàn Quốc này đạt lợi nhuận sau thuế 151tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MASVN đạt 318 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường chứng khoán thăng hoa nửa đầu năm với thanh khoản bùng nổ giúp hầu hết các công ty chứng khoán đều lãi đậm. SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của 4 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất gồm SSI, HCM, VCI và cả VND sẽ tăng trưởng 155% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Kết quả này là nhờ giá trị giao dịch trung bình ngày đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tăng ấn tượng 375% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022 nhờ phí môi giới và cho vay ký quỹ, SSI cho rằng động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm – tạo áp lực giảm thu nhập từ mảng tự doanh.

Rủi ro chính của ngành còn là biên lợi nhuận giảm đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm cho vay và môi giới chứng khoán, do áp lực cạnh tranh gay gắt. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường và lợi nhuận giảm.