Covid-19 giáng đòn chí tử vào du lịch Đà Nẵng

Hoài An - 09:01, 14/05/2020

TheLEADERVẫn còn 2/3 số cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng vẫn đóng cửa sau khi kết thúc giãn cách xã hội

Ngành du lịch thành phố thiệt hại trực tiếp 1.900 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm và tổng thiệt hại trong nửa đầu năm ước tính lên tới 5.672 tỷ đồng, tương đương với 20% doanh thu năm ngoái, theo Sở Du lịch Đà Nẵng.

Nguyên nhân là do lượng khách du lịch sụt giảm mạnh tới 58% trong bốn tháng đầu năm, chỉ còn xấp xỉ 1 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 575.000 lượt, giảm 50% và khách nội địa ước đạt 493.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đường bay quốc tế trực tiếp và các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng đã tạm dừng toàn bộ kể từ giữa tháng 3 trong khi các đường bay nội địa chỉ mới được khôi phục từ tuần cuối tháng 4. 

Tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ diễn ra ồ ạt khiến doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng do phải đặt cọc và thanh toán trước các dịch vụ.

Hiện có khoảng 150/968 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang hoạt động, tương đương 15,5%, trong đó có khoảng 50 cơ sở lưu trú du lịch mới mở cửa hoạt động trở lại sau khi Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép hoạt động đón khách trở lại từ ngày 23/4.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, các cơ sở lưu trú bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng thiệt hại trực tiếp ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm.

Thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng.

Lấy thị trường du lịch nội địa làm đòn bẩy

Trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn thành công dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh tại khu vực và thế giới vẫn phức tạp thì khách nội địa chính là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành Đà Nẵng mới đây, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, trong thời điểm này, khách du lịch nội địa đã dần có nhu cầu đi du lịch trở lại ở các điểm gần.

Do đó, đơn vị này sẽ triển khai các chiến dịch truyền thông sinh động hấp dẫn trên các kênh mạng xã hội, mời những người nổi tiếng, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng tham gia chương trình quảng cáo cũng như tạo ra bài hát sôi động Đà Nẵng để các nhân viên du lịch, lưu trú làm theo nhằm quảng bá, kích cầu du lịch nội địa.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nhấn mạnh trong điều kiện thực tế các địa phương đều nhắm đến thị trường nội địa thì Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt.

Các doanh nghiệp du lịch cần xúc tiến các chương trình kích cầu mùa hè, sau đó là kích cầu cuối năm; các khách sạn riêng lẻ cần triển khai các chương trình giảm giá kích cầu, miễn phí visa cho tất cả thị trường, miễn phí tham quan cũng như làm mới các sản phẩm.

Trong trao đổi với TheLEADER gần đây, ông Dũng khuyến nghị các doanh nghiệp có thể đưa ra các gói ưu đãi, kích cầu theo ba hướng như giảm giá thành hoặc giữ giá nhưng tăng số lượng dịch vụ như tặng thêm dịch vụ spa, đưa đón sân bay, thêm suất ăn trưa, ăn tối. Thứ ba là giữ giá nhưng tăng chất lượng dịch vụ, ví dụ như trước đây quy chuẩn 3 sao giờ nâng lên mức 5 sao nhưng không tăng giá.

Mặc dù vậy, trở ngại ở vấn đề nguồn khách gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ rằng ưu tiên lớn nhất hiện nay là thúc đẩy thị trường khách nội địa ngay trong mùa cao điểm du lịch hè, đặc biệt là gia tăng nguồn khách từ các thị trường trọng điểm Hà Nội và TP.HCM.

Về vấn đề truyền thông kích cầu du lịch nội địa, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng, nhấn mạnh, “nếu không nhanh chóng tạo ra hình ảnh mới cho điểm đến Đà Nẵng thì những thị trường nhạy cảm như Hàn Quốc sẽ thay đổi điểm đến”.

Trong khi đó, hiện một số khách sạn chưa thể tham gia nhiều vào gói kích cầu bởi nhiều khách sạn chưa thể mở cửa hoạt động trở lại vì sẽ phải gánh chi phí khoảng 3-4 tỉ/tháng cho chi phí hoạt động, trong khi công suất phòng mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 5-10%.

Theo ông Dũng, do đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh nên Đà Nẵng cần hỗ trợ triển khai các gói kích cầu đủ mạnh để thu hút khách du lịch như gói kích cầu hàng không, gói kích cầu combo trọn gói nhiều ngày cũng như các gói kích cầu các điểm du lịch lớn, vận chuyển, ẩm thực. 

Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch lễ hội, triển lãm cần mở cửa lại để thu hút khách.