Cước vận tải tăng mạnh, cần kích cầu nội địa để giải cứu nông sản

Phương Anh - 22:34, 09/01/2022

TheLEADERTrong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng 4 – 5 lần, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị phối hợp giữa các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến vận tải xuất khẩu, khi cước phí tăng gấp nhiều lần so với trước đây, đơn cử như cước vận tải biển “nhảy” tới 400 – 500%, đi kèm với vấn đề thiếu container.

Thông tin này được phản ánh và đưa ra trong công văn số 123/BNN-VP do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam ký gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây.

Theo nhận định, dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản sang Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn. Phía Trung Quốc đã thông báo hạn chế thông quan hàng nông sản trong bối cảnh nước này vẫn duy trì chính sách “Zero Covid”.

Thống kê cho thấy hiện vẫn còn hàng nghìn container nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, phần lớn là xe chở nông sản, thực phẩm tươi. Ngoài ra, còn lượng nông sản rất lớn đang vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ tại các địa phương.

Đơn cử, riêng mặt hàng thanh long, có khoảng 300.000 tấn cần tiêu thụ trong ba tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh thông quan bằng đường bộ khó khăn, không ít doanh nghiệp chuyển hướng sang đường biển, đường sắt, nhưng vấp phải tình trạng thiếu container lạnh, cùng với cước phí gia tăng.

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam để tìm giải pháp cho vấn đề hiện tại và phát triển xuất khẩu nông sản bền vững.

Ngoài ra, Bộ trường Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có văn bản gửi các UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị rà soát năng lực, nhu cầu của cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản.

Cùng với đó, tổ chức kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, hệ thống phân phối.

Bộ trưởng đề nghị cần khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trước đó, vào cuối tháng 10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng từng nhấn mạnh ngành nông nghiệp cần hợp tác, liên kết để tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, cân nhắc yếu tố thị trường – tức là đáp ứng nhu cầu của thị trường, bán cái thị trường cần thay vì tập trung vào sản lượng, để rồi lặp đi lặp lại nỗi đau “được mùa mất giá”.

Theo Bộ trưởng, tư duy chạy theo sản lượng khiến ngành nông nghiệp đánh mất niềm tin của thị trường ngay cả tại sân chơi nội địa, khiến cho người tiêu dùng khi đi chợ, mua chính nông sản của nước mình nhưng vẫn đắn đo về sự kém chất lượng, kém an toàn. Nếu đã bị quay lưng ngay trên sân nhà, chẳng thể nào nông sản Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường quốc tế.

Một trong những từ khóa khác là “đa dạng hóa”, tức là phải đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản thay vì bán thô. Nông sản được chế biến vừa dễ bảo quản, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần tích cực phát triển kinh tế nông thôn.