Khơi thông tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

Phạm Sơn - 09:13, 15/08/2021

TheLEADERCovid-19 và những biện pháp phòng dịch cứng nhắc của nhiều địa phương đang khiến khâu tiêu thụ nông sản bị ách tắc, đẩy doanh nghiệp và người nông dân vào khó khăn, gây ra nguy cơ đánh mất thị trường.

Khơi thông tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tuổi trẻ.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện nay đang có khoảng hơn 13 triệu tấn nông sản (gồm lúa, gạo, rau củ quả, trái cây, thủy hải sản) phải chịu cảnh tồn kho, nhiều loại nông sản ế ẩm dẫn đến rớt giá nghiêm trọng.

Tình hình trở lên đặc biệt khó khăn với đồng bằng sông Cửu Long do đang bước vào vụ thu hoạch lúa gạo và nhiều loại trái cây. Toàn bộ 13 tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long đều đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tình trạng kể trên là do đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch bệnh khiến nhiều địa phương hạn chế đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp cho biết một số địa phương kiểm soát dịch cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không tạo điều kiện cho vận chuyển nông sản.

Khâu xuất khẩu nông sản cũng đang rơi vào tình trạng ùn ứ, quá tải ở các cảng biển khi không thể hoạt động tối đa công suất để đảm bảo quy định phòng chống dịch. Kiến nghị với Bộ Công thương, một số doanh nghiệp cho biết, bên giao hàng chỉ vận chuyển được tối đa 25 – 30% lượng nông sản, có doanh nghiệp phải lưu kho tới 85% hàng.

Một khó khăn nữa mà doanh nghiệp gặp phải là sự thiếu hụt dòng tiền do nhiều tháng chống chịu với dịch bệnh khiến doanh nghiệp không đủ tiền để thu mua nông sản. Thương lái thu mua nông sản phải đi qua nhiều chốt, trạm kiểm dịch cũng làm phát sinh thêm nhiều chi phí.

Khó khăn trong thu hoạch, thu mua và xuất khẩu nông sản đẩy doanh nghiệp và bà con nông dân vào tình cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu không đảm bảo tiến độ và sản lượng giao hàng có thể đánh mất thị trường, ảnh hưởng lâu dài tới sự phục hồi và phát triển của ngành nông sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thông luồng lưu thông nông sản

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng nông sản sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều địa phương đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp thông tin dự báo về nhu cầu nông sản đối với thị trường trong nước và xuất khẩu để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu mua.

Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị với Bộ Công thương thực hiện một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ thu mua, xuất khẩu nông sản, lúa gạo.

Đầu tiên, đề nghị Bộ Công thương làm việc với các địa phương cũng như hệ thống cảng để nhanh chóng tháo gỡ ách tắc hàng hóa. Thứ hai, ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng nông sản, lúa gạo, đồng thời xem xét gia hạn hiệu lực xét nghiệm vắc xin lên 5 ngày để có thể vận hành các xà lan lớn vận chuyển hàng hóa.

Thứ ba, tạo chính sách luồng xanh đối với các tuyến đường thủy nội địa từ cánh đồng đến nhà máy và từ nhà máy đến cảng. Thứ tư, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Cuối cùng, đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho lao động trong ngành sản xuất nông sản, lúa gạo được di chuyển trong giờ giới nghiêm.

Trước đó, Tổ công tác 970 thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương ưu tiên tập trung tiêm vaccine Covid-19 cho 100% lao động thuộc các nhà máy chế biến nông sản, thủy hải sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm để duy trì sản xuất và xuất khẩu.

Các bộ đề nghị doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và thực hiện quy trình "3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến" một cách phù hợp, sẵn sàng ứng phó với trường hợp có ca F0 trong doanh nghiệp để vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo phòng dịch hiệu quả.