Đã đến lúc thương mại điện tử Việt Nam cần phát triển bền vững

Việt Hưng - 19:16, 23/03/2023

TheLEADERSự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.

Trong bối cảnh các nước chịu ảnh hưởng từ biến động của nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn được dự báo là một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á.

Tính đến tháng 9/2022, cả World Bank (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực trong năm 2022, với mức tăng lần lượt theo mỗi bên là 7,2% và 6,5%.

Đóng vai trò quan trọng và đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, kinh tế số tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.

Trong năm 2022, so sánh với các nước trong khu vực, nền kinh tế số ở Việt Nam được đánh giá có sự tăng trưởng mạnh nhất, cao hơn cả Indonesia và Singapore.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 31%, chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì mức độ này trong khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn 2025 - 2030 ở mức 19%.

Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, TMĐT sẽ là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đã đến lúc thương mại điện tử Việt Nam cần phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI

Báo cáo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Lazada đánh giá, bền vững sẽ là xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Trong đó, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng trong thời kì kỹ thuật số.

Thực tế, những mô hình doanh nghiệp TMĐT bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh, ổn định đội ngũ nhân sự, từ đó đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Việc xây dựng và củng cố sức mạnh từ hệ sinh thái TMĐT bền vững trong giai đoạn này sẽ tạo dựng được nền tảng giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn trên TMĐT, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái TMĐT, hướng tới kinh doanh bền vững và thực sự có hiệu quả.

Hiện tại, TMĐT bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của TMĐT với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng TMĐT.

Bên cạnh đó, API còn cho phép hợp lý hoá các hoạt động và đảm bảo sự tương tác liền mạch của khách trên TMĐT, từ đó hỗ trợ các nhà bán lẻ theo dõi, phân tích dữ liệu và giao tiếp chatbot với khách hàng hiệu quả; đồng thời kết nối nền tảng TMĐT với thị trường của bên thứ ba.

Đã đến lúc thương mại điện tử Việt Nam cần phát triển bền vững 1
Ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam

Về yếu tố trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả.

Đồng thời, để quản lý tác động lên môi trường, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải trong hoạt động và giảm việc sử dụng nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp TMĐT đi theo mô hình TMĐT bền vững đang từng bước tiến tới việc tác động lên nhận thức và hành vi của người tiêu dùng; giảm thiểu khí thải carbon thông qua việc tạo ra những combo sản phẩm với mức giá ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn combo sản phẩm thay vì đặt hàng riêng lẻ…

Theo báo cáo này, thanh toán trên TMĐT sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng "buy now, pay later" (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên TMĐT trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. "Mua Trước, Trả sau" cũng giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và quy mô đơn đặt hàng trung bình trên nền tảng TMĐT.

Đặc biệt, TMĐT bền vững sẽ là "cánh tay nối dài" giúp thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các địa phương thông qua việc giảm vai trò của trung gian (thương lái, chợ đầu mối, đối tác vận chuyển…).

Từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, thúc đẩy họ tập trung đầu tư hơn cho chất lượng sản phẩm; đồng thời, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên TMĐT cũng thúc đẩy gia tăng cam kết tiêu dùng trên nền tảng này.