Đà phục hồi rõ rệt của ngành thép

Trần Anh - 08:44, 26/09/2020

TheLEADERTổng sản lượng tiêu thụ thép tại thị trường Việt Nam lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số từng tháng đã bắt đầu có sự cải thiện rõ ràng hơn.

Đà phục hồi rõ rệt của ngành thép
Sản lượng tiêu thụ của ngành thép xây dựng được dự báo sẽ tăng trở lại

Thống kê cho thấy các nhóm sản phẩm của ngành thép đều đi xuống về mặt sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm, ngoại trừ tôn mạ. Thép cuộn cán nóng đối mặt với đợt giảm mạnh, trong khi doanh số của mảng thép xây dựng giảm gần 6% lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Tiêu thụ thép ống tiếp tục đi ngang trong khi sản lượng tôn mạ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhìn chung, nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng âm là ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo dõi câu chuyện tăng trưởng của một số nhóm ngành, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhu cầu thép cho sản xuất công nghiệp vẫn tương đối mạnh mẽ, ngược lại nhu cầu thép cho xây dựng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lượng dự án mới trong thị trường nhà ở và bất động sản thương mại vẫn còn thấp do triển vọng trung hạn kém khả quan, khi mà lệnh cấm bay quốc tế vẫn chưa dược gỡ bỏ hoàn toàn, ảnh hưởng lên hoạt động du lịch và thương mại quốc tế.

Số liệu tháng cho những tín hiệu tích cực, đặc biệt là trong tháng 8. Sản lượng tháng 8 tăng đáng kể so với năm ngoái. Ngoại trừ thép cuộn cán nguội, tất cả các mảng phụ khác ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, là tín hiệu cho sự phục hồi của cả thị trường nội địa và quốc tế.

Thép xây dựng tương đối chật vật trong 7 tháng đầu năm, với sản lượng tiêu thụ tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng âm so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng ở Việt Nam giảm. Tuy nhiên, doanh số tháng 8 đã tăng 15% so với cùng kỳ và tăng trưởng theo tháng tương đối đều đặn kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội.

VDSC nhận định rằng trong nửa cuối năm nhiều dự án lớn tăng tiến độ sau giãn cách và chi tiêu tài khóa cho cơ sở hạ tầng cũng được đẩy mạnh giải ngân, điều này sẽ trực tiếp hỗ trợ cho sản lượng tiêu thụ của ngành thép xây dựng. Xu hướng này sẽ duy trì trong trung hạn, theo đó các nhà máy thép xây dựng trong nước sẽ trực tiếp hưởng lợi.

Hòa Phát, tập đoàn thép có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện có các dây chuyền mới tại Khu liên hợp Dung Quất có thể đón đầu nhu cầu thép thanh đang phục hồi, để từ đó chiếm được thị phần và tạo ra tăng trưởng lợi nhuận cho nửa cuối năm 2020 và 2021.

Thép ống và tôn mạ đã cho thấy tín hiệu hồi phục ngay từ đầu tháng 5 và có xu hướng tăng liên tục trong nhiều tháng. Về mảng thép ống, đây là mảng có ít sự phụ thuộc nhất vào thị trường xuất khẩu và đã phục hồi thành công dựa trên nhu cầu trong nước tương đối khỏe mạnh về nhà ở, bất động sản công nghiệp và hoạt động sản xuất.

Về tôn mạ, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các nhà sản xuất nội địa đã bán 39% sản lượng tiêu thụ ra nước ngoài, tượng tự năm 2019 (38%), thấp hơn so với giai đoạn 2016-2018 khi mà sản lượng xuất khẩu chiếm tới 46-47%. Tuy nhiên, mối quan ngại chính hiện nay là tỷ suất lợi nhuận, bởi vì các nhà sản xuất ở hạ nguồn thường có biên gộp thấp.