Đằng sau kế hoạch phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Techcombank

Trần Anh - 09:00, 09/09/2019

TheLEADERTechcombank hiện là nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường với danh mục khoảng 60.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố phương án phát hành trái phiếu năm 2019. Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. 

Mục đích của kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô hoạt động và cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng.

Techcombank dự kiến hai đợt phát hành trái phiếu trong quý 3 và quý 4 năm nay, với quy mô mỗi đợt 5.000 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu có thể cố định hoặc thả nổi, tùy theo tình hình thị trường.

Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI mới được công bố, trong 8 tháng đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại đang là chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường với tổng giá trị phát hành là 56.600 tỷ đồng, chiếm 47,9% tổng lượng phát hành. 

Hầu hết trái phiếu ngân hàng đều trả lãi suất cố định với mức lãi thấp. Lãi suất và kỳ hạn bình quân là 6,75%/năm và 3,3 năm. Đây có thể là mức lãi suất tham chiếu mà Techcombank có thể áp dụng với các đợt phát hành trái phiếu của mình.

Techcombank lên kế hoạch huy động vốn lớn bằng trái phiếu trong khi ngân hàng này cũng đang là nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường. Tính đến cuối tháng 6/2019, Techcombank đang sở hữu số trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành lên đến hơn 60.000 tỷ đồng.

Công ty con của Techcombank là Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) hiện cũng là tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất, phần lớn là trái phiếu bất động sản. Gần đây TCBS đã thu xếp phát hành thành công hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản, tập trung vào các công ty liên quan đến Vingroup như Vinpearl, Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc. Ngoài ra còn thu xếp phát hành cho Cáp treo Bà Nà, Công ty NewCo, Tân Liên Phát Sài Gòn, Tân Liên Phát Tân Cảng.

Năm ngoái, toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank đã được dùng vào việc tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là trọng tâm tăng trưởng của ngân hàng trong năm nay. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 13% trong năm nay và có thể xin nới hạn mức lên 17% sau khi được áp dụng Basel 2.

Trong tháng 7 vừa qua, VPBank đã phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế trong kế hoạch huy động 1 tỷ USD. Trái phiếu quốc tế có kỳ hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa 6,25%.

Trái phiếu này của VPBank là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore. Ngân hàng cho biết, các nhà đầu tư đã đăng ký mua với tổng nhu cầu gấp 3 lần lượng trái phiếu phát hành đợt này.

Cùng với VPBank, hàng loạt các ngân hàng cũng đang chuẩn bị kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế vào cuối năm nay. Trong tháng 6, TPBank cũng cho biết kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế nhằm tăng vốn cấp 2 trong năm nay. 

Ngân hàng SHB có kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế, với hai loại trái phiếu gồm 200 triệu USD trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn 10 năm và  300 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp có kì hạn 3-5 năm. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý 4/2019 và năm 2020 tùy tình hình thị trường và nhu cầu của SHB. Trái phiếu phát hành dự kiến được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Mặc dù vậy, Techcombank không công bố kế hoạch phát hành trái phiếu tương tự. Người mua trái phiếu của ngân hàng này dự kiến bao gồm cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Công ty Chứng khoán SSI phân tích, với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72%/năm, tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng lớn (nhóm có lãi suất huy động thấp nhất) thì trái phiếu của các ngân hàng hầu hết không hấp dẫn với các nhà đầu tư thông thường.

Thêm vào đó, đối tượng mua trái phiếu ngân hàng trong thời gian qua chủ yếu là các công ty chứng khoán trong khi các công ty này cũng đang phải đi huy động vốn để hoạt động. Do đó, việc sở hữu trái phiếu có thể là sở hữu trung gian và thực tế các ngân hàng thương mại có thể đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.