Danh nhân Việt Nam tuổi Tuất

Công Hiếu - 08:00, 14/02/2018

TheLEADERTựa như vai trò, ý nghĩa và giá trị đa dạng, tích cực của loài chó, tuổi Chó (sinh năm Tuất) thường được coi là tuổi thông minh, linh động, mạnh mẽ, tài giỏi và thành đạt. Phải chăng vì thế, trong số danh nhân ảnh hưởng lớn tới tiến trình lịch sử Việt Nam, có nhiều vị tuổi Tuất...

Danh nhân Việt Nam tuổi Tuất
Tranh sơn dầu “Trận Vạn Kiếp”, Họa sỹ Hà Huy Chương tham gia Trại sáng tác Mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2015 do Bảo tàng LSQS Việt Nam tổ chức.

* LÝ CÔNG UẨN: Sinh năm Giáp Tuất 974, quê Bắc Ninh, vị vua đầu nhà Lý, hiệu Thái Tổ. Thuở nhỏ làm con nuôi đại sư Lý Khánh Văn, dày công tu học và luyện tập. Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, trưởng thành được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ. Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọa Triều mất. Được ủng hộ rộng rãi, suy tôn lên ngôi, năm 1010 ông chính thức đăng quang, khai sinh Vương triều Lý và cho rời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hóa, lễ nghi và chấn hưng Phật giáo.

* TRẦN QUỐC TUẤN: Sinh năm Bính Tuất 1226, quê Nam Định, danh tướng thời Trần, anh hùng dân tộc. Giỏi ứng biến, giàu mưu lược, võ thuật cao cường, được triều đình trọng dụng, phong làm Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông - đế quốc mạnh nhất thế giới bấy giờ, bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc. Ông cũng để lại nhiều bài học về đức độ, xử thế, dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư.

* ĐẶNG CHẤT: Sinh năm Nhâm Tuất 1622, quê Bắc Ninh, danh thần đời Lê Hy Tông. Nổi tiếng thông minh, hiếu học, đỗ tiến sĩ năm 1661, làm quan tới chức Tham tụng (Tể tướng) và từng nhiều lần đi sứ nước ngoài. Bản tính ngay thẳng, lối sống thanh liêm, cần kiệm của ông rất được sĩ phu đương thời trọng vọng.

* MẠC THIÊN TỨ: Sinh năm Bính Tuất 1706, quê Kiên Giang, danh sĩ, nhà doanh điền thời chúa Nguyễn. Cương nghị, đa tài, nối nghiệp cha tận tụy phò giúp chúa Nguyễn, được thăng tới Tổng binh Đại đô đốc và có công lớn trong việc thu phục nhân tâm, khẩn hoang lập ấp ở miền tây Nam Bộ. Ông còn khai sinh hội thơ Chiêu anh các nổi tiếng và là tác giả của nhiều công trình giá trị về lịch sử, thơ ca, nghệ thuật, triết luận.

* NGUYỄN CÔNG TRỨ: Sinh năm Mậu Tuất 1778, quê Hà Tĩnh, danh sĩ thời Nguyễn. Đỗ giải nguyên năm 1819, làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao ở nhiều nơi, trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần: có lúc được cử làm tới Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi. Lập công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khảng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại những giai thoại thú vị.

* NGUYỄN THỊ MINH KHAI: Sinh năm Canh Tuất 1910, quê Nghệ An, nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên trung. Thuở nhỏ vào học trường Cao Xuân Dục, năm 17 tuổi gia nhập đảng Tân Việt có chân trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Năm 1930 sang Trung Quốc làm việc tại Văn phòng Đông Phương, Bộ Quốc tế Cộng sản. Năm 1930 bị mật thám Pháp bắt ở Hồng Kông, năm 1934 được trả tự do. Cuối năm này, bà cùng Lê Hồng Phong được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Sau đó, họ kết hôn tại đây, rồi cùng vào học trường Đại học Đông Phương Stalin. Năm 1936, bà được phân về công tác ở Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và phụ trách Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, bị địch bắt. Trong tù, bà vẫn bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và bị giặc xử bắn ngày 28/8/1941.

* TẠ QUANG BỬU: Sinh năm Canh Tuất 1910, quê Nghệ An, giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học. Thuở nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, tốt nghiệp giành học bổng du học Pháp, Anh. Uyên bác, nhiệt tình, ra trường về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hóa học. Ông cũng hăng hái hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau năm 1954, phụ trách việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật với cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.

* NGUYỄN TUÂN: Sinh năm Canh Tuất 1910, quê Hà Nội, nhà văn hiện đại. Đi nhiều, hiểu rộng, cộng tác đắc lực với hệ thống báo chí, sáng tác thể loại văn học đa dạng và sôi nổi tham gia hoạt động sân khấu điện ảnh. Cả con người, phong cách và tác phẩm của ông đều toát lên những điều mới lạ, độc đáo, quý phái mà dân dã, dễ mến, dễ yêu. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại các tác phẩm văn chương nổi tiếng:Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà...

* NGUYỄN HỮU THỌ: Sinh năm Canh Tuất 1910, quê Long An, luật sư, chính khách yêu nước. Sinh trưởng trong một gia đình công chức, năm 1921 được cha mẹ cho sang Pháp du học, tốt nghiệp cử nhân luật năm 1932. Năng động, mạnh mẽ, giàu chí tiến thủ, ông mở văn phòng luật sư và tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ dân chủ, hòa bình, chống thực dân, đế quốc; từng nhiều lần lãnh đạo các cuộc biểu tình rầm rộ, bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày.

Tháng 11/1954, lại bị chính quyền Diệm bắt nhưng sau đó được lực lượng cách mạng giải thoát ra vùng chiến khu. Năm 1961, được bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông được cử giữ chức Phó chủ tịch nước, từ năm 1980 làm Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến lúc qua đời (1996). Góp công lớn cho phong trào cách mạng và dân chủ đất nước, ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.