Để không bị nhấn chìm tại chính sân nhà khi EVFTA có hiệu lực

Đặng Hoa - 16:00, 06/08/2020

TheLEADERTheo chuyên gia Deloitte, cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thói quen tiêu dùng, thậm chí là nguồn lao động chất lượng cao là những bài toán mà doanh nghiệp Việt phải cân nhắc trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.

Để không bị nhấn chìm tại chính sân nhà khi EVFTA có hiệu lực
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, tạo sự cân bằng về lợi ích cho cả hai phía. Hiệp định này được Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước EU đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng thương mại song phương.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ hải quan và thương mại toàn cầu của Deloitte Việt Nam đã chia sẻ với TheLEADER về một số nội dung các doanh nghiệp cần lưu ý liên quan đến việc thực thi Hiệp định EVFTA.

Có thể thấy, để được hưởng mức ưu đãi thuế 0% khi xuất khẩu vào EU từ 1/8/2020, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn khắt khe. Theo ông, các doanh nghiệp Việt hiện đã đáp ứng đủ điều kiện để hưởng ưu đãi này chưa?

Ông Bùi Ngọc Tuấn: Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 13 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động thương mại với các quốc gia có hiệp định thương mại với Việt Nam đang bắt nhịp nhanh hơn với các thay đổi và đòi hỏi của thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, EVFTA là một hiệp định thế hệ mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, trang bị thêm kiến thức về thị trường đích để có thể tận dụng tốt nhất các lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Cần khẳng định rằng, việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, quy định của Hiệp định EVFTA là điều kiện tiên quyết để có thể áp dụng các ưu đãi về thuế quan cho doanh nghiệp Việt Nam và đối tác khi đưa hàng hóa tiếp cận thị trường EU. 

Ví dụ, điều kiện cơ bản nhất là mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo yêu cầu trong hiệp định. Trên cơ sở đó, các nhà nhập khẩu của cả hai bên có thể áp dụng thuế suất ưu đãi theo lộ trình thấp hơn so với trước đây, đặc biệt là đối với các mặt hàng được cắt giảm thuế quan ngay từ 1/8/2020.

EU là một thị trường khó tính, đặc biệt quan tâm tới chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, bên cạnh những yêu cầu cơ bản về xuất xứ hàng hóa, viêc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng.

Cơ hội rõ ràng rất lớn khi hầu hết thuế suất sẽ giảm về 0% theo lộ trình nhưng thách thức cũng không ít. Theo ông, khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hoá sang EU là gì?

Ông Bùi Ngọc Tuấn: Việc xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU là một cơ hội lớn để đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng châu Âu. Đặc biệt, so với các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã ký và thực hiện, EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế quan khá ngắn là 8 năm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu.

Thứ nhất, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn từ hàng hóa nội địa EU đối với một số mặt hàng có tính cạnh tranh trực tiếp (một số mặt hàng nông nghiệp) và cạnh tranh từ hàng hóa của các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ…Doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu đã quen với việc sử dụng nguyên liệu, hàng hóa với tiêu chuẩn chất lượng cao. 

Do đó, khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, doanh nghiệp Việt cần lưu ý các vấn đề về chất lượng, đồng thời đầu tư nâng cao giá trị thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và tăng tính cạnh tranh.

Thứ hai, hàng rào phi thuế quan có thể gây cản trở đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Nổi tiếng là một thị trường khó tính và có tiêu chuẩn hàng hóa cao, EU có rất nhiều các tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn này được áp dụng cụ thể cho từng loại hàng hóa khác nhau, đòi hỏi doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu và lên kế hoạch về chi phí tuân thủ tương ứng, từ đó đưa hàng hóa tiếp cận thị trường EU.

Thứ ba, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu tính đa dạng. Trong thời gian đầu của Hiệp định, việc tập trung xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm may mặc, nông nghiệp, thủy hải sản nên được ưu tiên hàng đầu. 

Tuy nhiên, theo lộ trình dài hơn của hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt cũng nên đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu dựa trên điều kiện đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể thâm nhập sâu hơn và giữ vững vị trí của mình trên thị trường tiềm năng này.

Khi Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ EU, thị trường trong nước sẽ hưởng những lợi ích và đối mặt với những khó khăn nào, đặc biệt là trong câu chuyện cạnh tranh?

Ông Bùi Ngọc Tuấn: Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA mở ra cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận với hàng hóa từ EU với mức giá ưu đãi hơn, sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng cao hơn. 

Các nhà sản xuất của Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn nguyên liệu chất lượng cao với chi phí hợp lý, từ đó gia tăng chất lượng và tối ưu chi phí của sản phẩm đầu ra. Hơn thế nữa, việc tăng cường thương mại với EU cũng mở ra các cơ hội về đầu tư, việc làm, nâng cao chất lượng lao động cho thị trường trong nước.

Việc mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu từ EU cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nếu không có sự chuẩn bị phù hợp.
Ông Bùi Ngọc Tuấn
Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Câu chuyện về việc mua một chiếc xe ô tô nhập khẩu từ châu Âu với mức giá không chênh quá nhiều với giá thực bán tại châu Âu không còn là quá xa xôi. Dĩ nhiên, tình huống này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách thuế nội địa và chính sách bảo hộ phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu từ EU cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nếu không có sự chuẩn bị phù hợp. Cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thói quen tiêu dùng, thậm chí là nguồn lao động chất lượng cao là những bài toán mà doanh nghiệp Việt phải cân nhắc, nếu không muốn bị nhấn chìm tại chính sân nhà bởi luồng hàng hóa và đầu tư từ EU tràn vào.

Giải pháp sẽ là gì, thưa ông? 

Ông Bùi Ngọc Tuấn: Theo tôi, các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần xác định đối tượng khách hàng và các đối thủ cạnh tranh tiềm năng cho hàng hóa của doanh nghiệp tại thị trường châu Âu, xác định các rào cản phi thuế quan theo ngành có thể áp dụng cho các sản phẩm của Việt Nam và các chi phí liên quan, và xác định thuế suất lộ trình và thời điểm áp dụng theo EVFTA có thể áp dụng cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp nên thực hiện nghiên cứu chuyên sâu để hiểu rõ các điều kiện áp dụng thuế suất EVFTA; xác định nguồn cung ứng nguyên vật liệu và quy trình sản xuất tại thời điểm hiện tại có thỏa mãn quy định theo EVFTA và đưa ra các điều chỉnh phù hợp trong trường hợp cần thiết. Việc chuẩn bị, xây dựng hồ sơ chứng minh xuất xứ và chất lượng sản phẩm có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo người nhập khẩu bên EU có thể áp dụng thuế suất EVFTA.

Mặt khác, đối với các nhà nhập khẩu của Việt Nam, giải pháp thiết yếu được đưa ra là doanh nghiệp cần chủ động xác định mã HS phù hợp và thuế suất EVFTA áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu của mình, đồng thời cần yêu cầu người xuất khẩu bên EU cung cấp các chứng từ thương mại để chứng minh hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo EVFTA.

Ngoài các yếu tố kinh tế, các doanh nghiệp còn cần chú ý tới các yếu tố khác đã được quy định trong EVFTA như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và phát triển bền vững, để đảm bảo tính cạnh tranh cho mình trước sự thâm nhập của các doanh nghiệp EU.

Theo ông, câu chuyện EVFTA có hiệu lực có ý nghĩa gì trong mùa dịch Covid-19 hiện nay hay không?

Ông Bùi Ngọc Tuấn: Diễn biến phức tạp của Covid-19 đã làm gián đoạn thương mại thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đã giảm 1,4% tương đương với 3,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nền kinh tế vẫn chưa thực sự mở cửa trở lại và bước sang giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, việc EVFTA chính thức có hiệu lực vào thời điểm này, mang tới hy vọng thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam – EU bởi những lợi ích rõ rệt mà hiệp định mang lại từ khía cạnh thuế quan đơn thuần.

Là thị trường xuất khẩu luôn nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, mức thuế suất thuế nhập khẩu của EU áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ tạo tiềm lực mạnh mẽ hơn cho hàng hóa của ta thâm nhập vào thị trường EU trong thời gian tới.

Ngoài ra, bên cạnh thế mạnh xuất khẩu hàng hóa và cơ cấu mặt hàng mang tính “bổ trợ” với EU, đại dịch Covid-19 ở một góc nhìn khác có thể xem là cơ hội cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, khẩu trang y tế, một số thiết bị y tế... của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. 

Xin cảm ơn ông!