EVFTA – nút tăng tốc cho Việt Nam hậu Covid-19

Hoài An - 16:11, 19/05/2020

TheLEADERViệc thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại sâu rộng như EVFTA có thể giúp thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam phục hồi nhanh hơn trong thời kỳ hậu Covid-19.

World Bank (Ngân hàng thế giới) trong báo cáo “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)” mới đây ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo hiệp định này có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 – 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030.

Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19.

EVFTA – nút tăng tốc cho Việt Nam hậu Covid-19
Việt Nam nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng được báo cáo là đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Ảnh: ADB.

Ngân hàng thế giới nhận định việc thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại sâu rộng như EVFTA có thể giúp thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam phục hồi nhanh hơn trong thời kỳ hậu Covid-19

Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng suy thoái kinh tế có thể xảy ra do đại dịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường toàn cầu và EU, làm suy giảm các tác động tích cực của EVFTA trong ngắn hạn.

Ngân hàng thế giới trong báo cáo cho rằng lợi ích từ việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm tuân thủ với những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong các hiệp định này.

Ước tính những cải cách này sẽ tạo ra “cú hích năng suất”, giúp GDP tăng thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi ba vấn đề chính, bao gồm các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhận định nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử.

“Với Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn”, ông chia sẻ.

Khai thác lợi ích EVFTA hậu Covid-19

Để khai thác lợi ích của EVFTA trong thời kỳ hậu Covid-19, Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện các giải pháp để phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong tất cả các ngành phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng được báo cáo là đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây như bộ điện thoại, giầy dép, dệt may hay máy vi tính, thiết bị và các công cụ khác.

Doanh nghiệp đóng vai trò cơ bản trong hoạt động này nhưng Chính phủ cũng nên xác định ưu tiên rõ ràng trong các gói tài chính và tín dụng chung đã được công bố để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU. 

Các hiệp hội doanh nghiệp nên tích cực thúc đẩy doanh nghiệp thông qua nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các lợi ích của EVFTA và hướng dẫn về pháp lý để tận dụng lợi ích của hiệp định này, Ngân hàng thế giới khuyến nghị.

Các giải pháp chính sách cũng cần giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 trong dài hạn. Trong một tương lai dài hơn, tác động kết hợp của Covid-19 và căng thẳng thương mại có thể đưa đến quá trình tái cấu trúc sâu sắc các chuỗi giá trị toàn cầu.

Các chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng sẽ ít phụ thuộc hơn vào một số trung tâm sản xuất toàn cầu như Trung Quốc và mở đường cho Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong chuỗi cung ứng.

Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ quá trình này nếu có thể tái định vị vị thế của mình một cách tốt nhất trong thời gian hậu Covid-19. Việt Nam cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ và chủ động hơn, để có thể xây dựng năng lực sản xuất và xuất khẩu ở cấp cao hơn theo hướng ưu tiên giá trị gia tăng và công nghệ cao.

Về lâu dài, thuận lợi hóa thương mại là một yếu tố thay đổi cuộc chơi và Việt Nam đang đi đúng hướng để biến những thách thức do Covid-19 gây ra thành cơ hội giúp tăng cường những cải cách liên quan.