Đề nghị áp dụng Luật phòng chống tham nhũng cho khu vực ngoài nhà nước
An Nhiên
Thứ sáu, 10/11/2017 - 04:26
Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tại Quốc hội chiều ngày 9/11, Chính phủ đã trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo đó, về sự cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước,Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng: áp dụng các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư (gọi chung là doanh nghiệp); các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội).
Về vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án Luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng là “từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.
Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cũng chưa yên tâm khi dự thảo luật không chỉ quy định các tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tự ban hành quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu, kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập mà còn giao cho cơ quan thanh tra, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuấtviệc thực hiện các quy định đó.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, quy định này cần được cân nhắc hết sức thận trọng, tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hiện nay chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng, tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo, do đó, việc quy định mở rộng thẩm quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra thường xuyên và đột xuất đối với doanh nghiệp cần hết sức hạn chế.
Mặt khác, trong các cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, hiện nay chỉ với các quy định hiện hành về thẩm quyền của cơ quan thanh tra (cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành) thì hằng năm doanh nghiệp cũng đã bị thanh tra rất nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh.
Cần cân nhắc hết sức thận trọng, theo cơ quan thẩm tra vì đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư thì hiện nay pháp luật đã có các quy định rất chặt chẽ về công khai hoạt động, công bố thông tin, về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại việc nếu không quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục thanh tra, nhất là căn cứ để tiến hành thanh tra trong dự thảo luật thì cũng có thể dễ bị lạm dụng, Chủ nhiêm Lê Thị Nga nói.
Thêm vào đó, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới của dự thảo nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ cũng trình Quốc hội hai phương án sau:
Phương án 1: mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn).
Phương án 2: thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc chủ động thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm cập nhật thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu có liên quan đến tài sản, thu nhập của người kê khai.
Cơ quan chức năng cũng được yêu cầu người kê khai giải trình biến động tài sản, thu nhập khi tiến hành kê khai bổ sung hoặc giải trình đối với giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên nhằm làm rõ về tài sản, thu nhập tăng thêm và quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ quy định.
Dự thảo đồng thời quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, phối hợp chia sẻ, cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phục vụ cho việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập.
Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp chưa đồng tình với phương án 1 vì theo quy định hiện hành thì đối tượng phải kê khai được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên và việc kê khai được thực hiện hàng năm; tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.
Trường hợp thu hẹp đối tượng kê khai như đề xuất tại phương án 2 của dự thảo Luật thì cần làm rõ lý do để phân biệt việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai ở trung ương thì có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên nhưng ở địa phương lại quy định từ 0,9 trở lên.
Do đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.
Đồng ý với việc TP.HCM được phép áp dụng một số cơ chế, chính sách “đặc thù”, được thu thêm hoặc tăng thu một số loại thuế, phí, nhưng Bộ Tài chính đề xuất các chính sách đưa ra phải báo cáo Quốc hội. Trong khi các chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại với các cơ chế “đặc thù”. Dự kiến, nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 14/11 tới.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) cho biết nạn tham nhũng vặt đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, khác nhau.
Zalopay xác định phát triển theo hướng trở thành một nền tảng thanh toán toàn diện đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới hướng tới trải nghiệm người dùng.
MSB công bố báo cáo tài chính quý III với tín dụng tăng 15,11% nhờ đa dạng hóa giải pháp, đặc biệt trên nền tảng số, và vốn điều lệ nâng lên 26.000 tỷ đồng.
Khoản vay nằm trong chương trình hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững, đã và đang trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.