Đề xuất gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp bất động sản

An Chi - 15:11, 25/03/2020

TheLEADERHiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Chính phủ và cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế xin hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của đại dịch Covid-19.

Theo đó, hiệp hội đề nghị bổ sung doanh nghiệp bất động sản vào đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vnrea đề nghị bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế.

Hiệp hội cũng đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế trên cho các doanh nghiệp là một năm thay vì năm tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Đại diện hiệp hội cho biết do dịch Covid-19 đang làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nội địa, trong đó có thị trường bất động sản.

Thị trường chứng khoán cũng bị chao đảo và đã giảm sàn về dưới mốc 700 điểm. Nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn. Nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị khó khăn, đình đốn, sụt giảm mạnh doanh thu, nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản. 

Hiệp hội cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành bất động sản, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Theo đó, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thịbán hàng là khâu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đều bị hủy bỏ. Khách hàng cũng không đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin về dự án.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Gần đây, nhiều mặt bằng thương mại đã bị khách thuê trả lại do nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không có khách hàng. Các căn hộ dịch vụ cho các đối tượng là khách cư trú ngắn hạn, khách nước ngoài thuê để ở cũng bị trả lại do vấn đề hạn chế đi lại nên không còn khách du lịch, khách đi công tác.

Mặt khác, khủng hoảng kinh tế đang tác động trực tiếp đến thu nhập của đại bộ phận nhân dân. Do đó người dân có xu hướng chỉ tập trung chi tiêu cho nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống và tạm dừng việc mua bất động sản để ở hoặc để đầu tư. 

Những khách hàng đã hoặc có ý định sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng để đầu tư vào bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong quyết định đầu tư. Doanh nghiệp bất động sản hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang phải chịu rất nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay. Tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải phát sinh nhiều chi phí để hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian; hoặc hỗ trợ khách vay mua nhà như hỗ trợ lãi suất hay phải triển khai các chương trình quảng cáo, tiếp thị, khuyển mại hấp dẫn để thu hút khách mua bất động sản.