Đến lượt Quảng Trị xin lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió

Nguyễn Cảnh - 08:55, 11/10/2021

TheLEADERGia hạn kéo dài thời điểm áp dụng giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió tới hết 31/12/2022, là một trong những vấn đề bức thiết của tỉnh Quảng Trị hiện tại.

Đến lượt Quảng Trị xin lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió
Dù đã được tạo điều kiện tốt nhất để thần tốc triển khai, các dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị vẫn khó lòng kịp mốc hưởng giá điện FIT (ảnh minh họa)

Tỉnh Quảng Trị hiện có 14 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 569MW (được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực từ tháng 6/2020). 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung (tháng 10/2020), dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp… nên tỉnh Quảng Trị phải thực hiện các đợt giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. 

Do đó, các dự án điện gió (đã được chấp thuận chủ trương đầu tư) khó có thể hoàn thành, hòa lưới điện trước thời điểm 31/10/2021 để được hưởng cơ chế ưu đãi về giá điện theo quy định.

Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án điện gió trên địa bàn, đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét cho phép gia hạn kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng tới hết ngày 31/12/2022.

Như TheLEADER mới thông tin, tỉnh Quảng Trị gần đây đã tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án điện gió triển khai, thi công lắp đặt nhằm kịp mốc 31/10/2021. 

Điển hình, 4 dự án điện gió tại Quảng Trị đã được địa phương hoãn thi công tuyến đường Khe Van - tuyến đường giao thông quan trọng nối 2 huyện biên giới của tỉnh Quảng Trị - để nhường đường vận chuyển thiết bị phục vụ thi công, nhằm kịp lắp đặt, vận hành trước mốc 31/10/2021. Trong số này có 3 dự án (Hướng Linh 3, Hướng Linh 4 và Hướng Hiệp 1) đều do các pháp nhân là các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Công ty CP Tập đoàn Tân Hoàn Cầu (ông Mai Văn Huế làm chủ tịch HĐQT).

Điều này, xuất phát từ áp lực tiến độ căng thẳng (để hưởng mức giá FIT), khiến cho nhiều chủ đầu tư đã quyết xin được thi công dự án điện gió - bất chấp việc tỉnh Quảng Trị quyết định áp dụng cách ly xã hội tại địa bàn do dịch Covid-19. Đơn cử, là trường hợp của các dự án điện gió Tài Tâm, Hoàng Hải, Amaccao Quảng Trị 1…

Tuy vậy, tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận thực trạng không tuân thủ quy định pháp luật tại nhiều dự án điện gió trên địa bàn (triển khai thi công xây dựng dự án trước khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…).

Trước đó, hàng loạt các tỉnh như Gia Lai, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Cà Mau lần lượt đề xuất tới Thủ tướng và Bộ Công thương với nội dung cơ bản giống nhau xoay quanh khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 Uscent/kWh (theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng).

Đáng chú ý, thông tin từ EVN cho biết, cập nhật đến ngày 30/9/2021, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5655,5MW đăng ký thử nghiệm COD (ngày vận hành thương mại) thì đến cuối tháng 9/2021, mới có 6 nhà máy điện gió (tổng công suất 272,4MW) đã được công nhận vận hành thương mại COD.