Tiêu điểm
Dệt may chìm trong khó khăn, mục tiêu xuất khẩu khó khả thi
VITAS cho biết nguy cơ cao nhất với ngành dệt may là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác, và thiếu lao động do lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
Doanh nghiệp dệt may ‘khó chồng khó’
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết từ đầu quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may do diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường – hai điểm đến”, hoặc phương án sản xuất “bốn xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10 – 30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường.
“Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng”, VITAS nhấn mạnh. Dữ liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 3 tỷ USD, giảm 9,2% so với tháng 8/2021, và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VITAS, ngoài các tác động tiêu cực khác nhau lên chuỗi cung ứng, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn về lao động.
Vào thời điểm tháng 4, tháng 5 khi Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc, một số doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ việc 30 – 45 ngày, hoặc nghỉ luân phiên.
Sau khi tình hình việc làm dần ổn định trở lại, ngành dệt may lại phải hứng chịu “cú đấm” tiếp theo tại khu vực phía Nam khi biến thể Delta xuất hiện. Phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc phải giảm tối thiểu 60 – 70% lao động do không đáp ứng được yêu cầu làm việc, hoặc do người lao động lo sợ lây nhiễm không đi làm.
Không chỉ vậy, một số không nhỏ bỏ về quê, dự báo sẽ làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn ngay cả thời điểm sau dịch.
VITAS cho biết ước tính sẽ có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập.
Ba kịch bản cho ngành dệt may
Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh đang còn rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, VITAS nhận định ba tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may.
Nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác, và thiếu lao động do lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
“Cả hai vấn đề này đều không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được”, VITAS lưu ý. Theo đó, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất khó khăn.
Trong kịch bản tích cực nhất với giả định Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 37,5 – 38 tỷ USD.
Với kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu cả năm dự kiến sẽ đạt khoảng 36 – 36,5 tỷ USD.
Với kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 33,5 – 34 tỷ USD.
Đề xuất giải pháp
Nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản, đại diện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kiến nghị dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư.
Đơn cử, đề xuất dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68, nhưng với thời gian một năm kể từ khi nộp hồ sơ. Các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16 được giảm 50% số tiền phải nộp.
Đối với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, VITAS kiến nghị dừng thu phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022 thay vì 50% như quy định tại công văn số 2059.
Ngoài ra, VITAS kiến nghị cắt giảm các chi phí, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc, lãi của năm nay và năm sau.
Cùng với đó, đề nghị Nhà nước tiếp tục giảm giá điện và thuế VAT từ 20 – 30% cho các doanh nghiệp ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 6/2022.
Về dài hạn, VITAS đề xuất sớm ban hành chiến lược phát triển công nghiệp ngành dệt may, giải quyết những bất cập về quy định nộp thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu, bất cập về thuế VAT cho hàng dệt may xuất khẩu tại chỗ.
Đề xuất sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 cho phù hợp thực tế và tương thích với những quy định liên quan của Bộ Luật Lao động 2019 theo hướng giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1%.
Cùng với đó, điều chỉnh quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp phù hợp thực tế, tránh tạo ra mức đóng quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người lao động trong khi nguồn kết dư rất lớn.
Bức tranh u ám của ngành dệt may
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.